.

Ruồi Trâu Blog

Chia sẻ về kinh nghiệm tìm học bổng PhD


Tiếp theo bài trước về việc chuẩn bị các mục cần thiết cho việc apply một job trong môi trường nghiên cứu, bài này tôi sẽ chia sẻ cùng các bạn sinh viên về kinh nghiệm apply thành công một vị trí nghiên cứu sinh (PhD studentship) – tức là kiếm một học bổng du học toàn phần. Nội dung này chủ yếu liên quan đến việc apply thành công một PhD studentship từ một research grant (đề tài nghiên cứu). Việc apply các quỹ học bổng chính thống (ví dụ như VEFSUPAErasmus Mundus…) thì khác, nhưng cũng có thể áp dụng “một vài chiêu” ở đây. Và bài viết này cũng bó hẹp chủ yếu trong phạm vi các ngành khoa học (nơi mà có rất nhiều fund cho PhD), còn các ngành xã hội, kinh tế… thì khác rất nhiều, và tôi cũng không rõ về nhóm ngành này. Một điều nữa là, đọc bài viết này hoàn toàn vô ích cho những ai định làm nghiên cứu sinh ở trong nước (Việt Nam). Nếu ai quan tâm đến làm nghiên cứu sinh trong nước, xin vui lòng đọc kiến nghị về xây dựng quỹ học bổng trong nước của tôi ở một bài viết trước đây.
Trước hết tôi muốn làm rõ với một số bạn còn chưa hiểu về chuyện “tại sao cần apply fund cho nghiên cứu PhD”. Ở Việt Nam, khi làm PhD, người ta thường tự bỏ tiền đi học, học để kiếm lấy mảnh bằng TS (cho mục đích gì thì tùy người), kể cả những ngành khoa học. Còn ở “nước ngoài” (mà cụ thể là các nước phát triển) thì tiến sĩ là một quá trình đào tạo và nghiên cứu để có một khối kiến thức sâu sắc về chuyên môn, cộng với những kỹ năng cần thiết để trở thành những nhà nghiên cứu độc lập trong tương lai. Quá trình này thường được tài trợ (tài trợ từ học phí, lương, chi phí nghiên cứu) bởi các tổ chức cấp học bổng (đơn cử như các quỹ VEFSUPAErasmus Mundus…) hoặc các đề tài nghiên cứu để tiến hành các nghiên cứu trong quá trình học của nghiên cứu sinh. Có thể tạm coi một cách thô thiển là PhD sẽ như một “công nhân” học việc trong nghề nghiên cứu, được trả thù lao để làm nghiên cứu, vừa học việc để có một “tay nghề” vững vàng để có thể tự tin trở thành một “công nhân” trong nghiên cứu khoa học. Cũng bởi vì có sự tài trợ mà sẽ luôn có tình trạng “mật ít ruồi nhiều”, có sự cạnh tranh giữa những người mong muốn có sự tài trợ. Để có thể thành công trong công cuộc cạnh tranh này, ngoài việc phải có học lực tốt, còn cần phải chuẩn bị hồ sơ cẩn thận, cũng như các kỹ năng (hay gọi thô thiển là “tiểu xảo” như trong thể thao) trong quá trình application. Bài viết này sẽ chia sẻ những kinh nghiệm chuẩn bị của bản thân tôi và từ một số bạn bè từng du học trời Tây.

1. Định hướng cho tương lai

Để có thể có thể apply thành công, đầu tiên bạn định hướng trước cho tương lai sự nghiệp nghiên cứu của mình, mình sẽ học ở đâu, và hướng nghiên cứu tập trung của bạn sẽ là gì? Tất nhiên có lẽ ai cũng có thể trả lời dứt khoát rằng giấc mơ của họ là học và làm việc ở những nước có nền giáo dục và khoa học phát triển (Mỹ, Châu Âu, Nhật Bản, Úc, Singapore, Hàn Quốc…). Hãy tham khảo một sốbài viết gần đây của tôi về chất lượng một số nền khoa học. Một lời khuyên chân thành: đừng cố tìm đến những nền khoa học cũ kỹ xuống cấp như Nga hoặc một số nước Đông Âu, bởi nền khoa học ở các nước này đã bị bỏ rơi, đang trong tình trạng xuống cấp, và cách đào tạo đã trở nên không còn phù hợp (chưa nói tới nhiều vấn đề xã hội). Các nước như Nga chỉ còn mơ về ánh hào quang cũ của thời Landau, Kapitsa. Cũng đừng cố tìm đến những nền khoa học được đánh bóng, quảng cáo rầm rộ là Trung Quốc vì cách thức giáo dục Trung Quốc cũng gần giống với Việt Nam và chất lượng nền khoa học Trung Quốc cũng chưa thể so sánh với các nước phát triển. Học ở các nước dùng tiếng Anh thường cho bạn nhiều thế mạnh hơn về khả năng ngôn ngữ (tất nhiên tôi không nói học ở các nước không nói tiếng Anh là tệ, ví dụ như học ở Đức, Pháp… đều tốt chẳng kém gì ở Anh, Mỹ cả).
Trước khi chuẩn bị các thứ cho apply, bạn nên chuẩn bị cho mình sự định hướng về nghiên cứu trong tương lai phù hợp với thế mạnh học thuật của bạn và những background bạn đã được đào tạo trước đó (đại loại như đã học về vật lý, bạn nên định hướng chuyên môn vật lý mình sẽ theo đuổi là gì: vật lý chất rắn, linh kiện nano, hay vật lý tính toán…) và nếu có thể, hãy tham khảo những đàn anh đi trước để biết những trung tâm nghiên cứu xuất sắc về lĩnh vực hẹp mà bạn định theo đuổi để giúp bạn có thể tìm hiểu nhiều thông tin hơn.
Có thể tạm nói rằng, bước định hướng này cũng giống như “career management”, một soft skill thường được dạy ở các trường đại học phương Tây, nhưng đáng tiếc là các trường ở Việt Nam không đào tạo kỹ năng này cho sinh viên.

2. Tìm kiếm các studentship

Có rất nhiều trang tìm kiếm các PhD studentship, ví dụ như trang http://www.jobs.ac.uk (đăng các tin về tuyển dụng từ studentship, research fellowship, professorship… ở các trung tâm nghiên cứu và công ty chủ yếu ở Anh và EU), http://telejob.ch (chủ yếu cho các academic job ở Thụy Sĩ và EU), hoặc trang http://www.scholarshipnet.info/ là một trang tìm các học bổng cực kỳ hiệu quả. Có thể nói sơ về studentship như sau: studentship là một hình thức tài trợ cho nghiên cứu sinh bởi các đề tài, dự án, phổ biến ở các nước Châu Âu. Các nhóm nghiên cứu sau khi được nhận đề tài từ các quỹ nghiên cứu, sẽ phải tuyển các nghiên cứu sinh làm nhân công nghiên cứu và đào tạo cho đề tài. Khi đó, họ sẽ thông báo tuyển dụng các PhD student (hình chụp dưới đây là một ví dụ về thông báo tuyển dụng PhD). Khi đó, bạn sẽ có cơ hội nộp hồ sơ và hi vọng một học bổng cho 4 năm học PhD của mình. Điều quan trọng đầu tiên là bạn phải có được các thông tin tuyển dụng đó. Với thời đại internet ngày nay, bạn có thể tìm mọi thứ với người bạn tốt google và từ thông tin chia sẻ bởi các cộng đồng khoa học (ví dụ đơn giản như http://vatlyvietnam.orghttp://vietscholar.org,http://vietphd.org…). Để có cơ hội, không có cách nào khác là tích cực, đừng ngồi đợi ai đó báo tin cho mình, cũng đừng đợi ai đó có thể giúp mình xin học bổng! Never! Mọi thứ là do bạn làm ra! Thậm chí trước đây tôi còn đi vào trang web của các trường đại học, tìm hiểu về các nhóm nghiên cứu trên đó, tìm chính quảng cáo từ trên website, đồng thời hiểu rõ các hướng nghiên cứu mà các nhóm theo đuổi, từ đó phác cho mình một hướng để theo đuổi.

Một ví dụ tuyển dụng vị trí PhD của Đại học Nottingham (ảnh chụp từ trang http://www.jobs.ac.uk). Hãy chú ý đọc kỹ các thông tin trên thông báo tuyển dụng.
Một khi có thông tin đó, bạn nên đọc kỹ thông tin, để xem vị trí và hướng nghiên cứu có phải đúng như niềm mơ ước của bạn, xem thù lao (stipend, salary) có hậu hĩnh hay không, các yêu cầu tuyển dụng liệu bạn có khả năng đáp ứng, các quy trình, trình tự apply như thế nào, bạn cần contact cho ai để gửi các hồ sơ, và hồ sơ cần những gì… Cái này cũng giống như việc “đọc kỹ hướng dẫn sử dụng trước khi dùng thuốc”. Đừng vội ngó nghiêng qua loa và viết thư hỏi employer những câu hỏi rất ngây ngô, “rất Việt Nam” để tự làm mất điểm trước nhà tuyển dụng.

3. Chuẩn bị giấy tờ apply

Những giấy tờ bạn cần chuẩn bị gồm: curriculum vitae (CV), các giấy tờ liên quan đến quá trình học trước của bạn (bảng điểm, bằng tốt nghiệp, bằng tiếng Anh như IELTS, TOEFL, GRE…) và những giấy tờ gì mà thông tin tuyển dụng yêu cầu. Chú ý là: vì bạn là sinh viên nên người tuyển (supervisor) sẽ quan tâm nhiều đến quá trình học ở bậc học trước của bạn, và bạn apply cho một vị trí làm research nên các kinh nghiệm làm nghiên cứu khoa học (cũng như các thành tích khoa học) cũng rất đáng quan tâm. Bạn nên làm hồ sơ nổi bật những điểm mạnh đó của bạn. Đầu tiên là cần chuẩn bị một lý lịch khoa học (curriculum vitae – CV) được viết bằng tiếng Anh. CV cần được viết một cách chuyên nghiệp và theo cách viết của các “academic CV”. Bạn nên tham khảo các mẫu academic CV đẹp trên mạng (ví dụ như một số trang VitaeProspects…) và không nên theo các chuẩn “Lý lịch khoa học” thường dùng trong các cơ quan nhà nước ở Việt Nam. Trong CV, bạn nên có list các publications (nếu có) mà mình đã công bố (điều này rất quan trọng cho research) và kèm đó là danh sách từ 2 đến 3 người (gọi là References), là những nhà khoa học (càng danh tiếng càng tốt) hiểu rõ khả năng của bạn và sẵn sàng viết thư giới thiệu cho bạn. Cần chú ý là bạn sẽ phải viết academic CV, khác với working CV cho các công việc không phải là nghiên cứu. Academic nhấn mạnh đến các kiến thức, kỹ năng dành cho công việc hàn lâm và nghiên cứu; cũng như các kinh nghiệm và thành tựu nghiên cứu của bạn. Nhưng cũng cần chú ý đến độ dài của CV. Nếu bạn xin các vị trí dưới cấp tiến sĩ, CV của bạn không nên dài quá 3 trang. Chú ý là các kiểu CV quy định theo mẫu của một trường hay cơ quan nào đó thường không làm các giáo sư “khoái” lắm vì nó cho thấy bạn không sáng tạo lắm.

Một CV đẹp được trình bày chuyên nghiệp là một yếu tố quyết định trong việc tìm việc, đặc biệt là trong môi trường nghiên cứu (hình ản chỉ mang tính chất tham khảo).
Một thứ cũng rất quan trọng mà bạn nên chuẩn bị sẵn (dù có thể chưa cần gửi ngay) đó là thư giới thiệu (Letter of Recommendation hay LoR). Các vị trí làm khoa học (kể cả job hay studentship) thường yêu cầu từ 2 đến 3 lá thư giới thiệu viết bởi những nhà khoa học cùng ngành có tên tuổi, hiểu rõ trình độ và khả năng của bạn (thường phải có ít nhất một người trong đó là supervisor hướng dẫn khoa học của bạn ở các bậc học trước), gọi là các references. Ở EU, cách đòi hỏi LoR phổ biến là bạn cho biết địa chỉ chi tiết của references (affiliation, e-mail address, telephone number…) để họ sẽ tự viết thư cho references, hỏi về bạn và đề nghị reference viết LoR về bạn. Hoặc cũng có nhiều nhóm không viết thư hỏi references mà yêu cầu bạn báo cho references của bạn, và references của bạn tự động gửi (bằng thư của references) đến e-mail của người tuyển dụng và quote mã số của bạn để recommend cho bạn. Hai cách này với mục đích khách quan trong viết thư giới thiệu. Người Phương Tây thường viết LoR riêng tư mà không để cho ứng viên được đọc thư. Cũng có nhiều nơi yêu cầu bạn chuẩn bị sẵn LoR và gửi thẳng kèm với hồ sơ của bạn. Nói chung dù là cách nào, các nhà tuyển dụng “Tây” thường tin rằng lá thư đó được viết một cách khách quan từ các thầy giáo của bạn, nhưng tôi tin là họ không biết một chi tiết khác “rất Việt Nam” trong các lá thư LoR được gửi từ Việt Nam.
Đó là chuyện hầu hết các giảng viên, giáo sư ĐH ở Việt Nam (nhất là những người thế hệ cũ) thường lười, và nhiều người không giỏi tiếng Anh nên thường ít người tự viết LoR cho sinh viên của mình. Thay vào đó, họ thường bảo sinh viên tự viết lấy một lá thư, sau đó họ ký vào và gửi đi. Thầy nào cẩn thận thì có thể đọc qua và sửa chữa những lỗi câu cú, còn nhiều thầy ẩu, chẳng thèm đọc, cứ thế ký đại và gửi (tôi đã từng chứng kiến có người như vậy). Tất nhiên cũng có nhiều thầy giáo làm việc một cách chuyên nghiệp, tự mình soạn thư LoR và gửi đi một cách nghiêm túc. Thầy giáo cũ của tôi là GS Nguyễn Châu là một người nằm trong số đó, thường soạn LoR cho học trò, hoặc nếu không có thời gian viết thì sẽ sửa chữa lại thư (do học trò soạn) một cách cẩn thận cho đúng mực trước khi gửi đi. Như vậy, nếu bạn ở Việt Nam thì thường dễ rơi vào trường hợp bạn phải tự soạn một LoR. Hãy cố gắng tìm các mẫu viết LoR trên mạng để soạn một thư giới thiệu “hay ho” về bạn (như ví dụ dưới đây). Hãy nhớ là LoR chỉ là một lá thư không dài quá 1 trang giấy A4, vừa ngắn gọn, lại phải vừa đủ “nói tốt” về bạn. Tất nhiên, tôi không mong muốn các bạn bị rơi vào trường hợp này, mà sẽ được support bởi những ông thầy chuyên nghiệp.

Một ví dụ về trình bày Letter of Recommendation Letter.
Một văn bản khác cũng vô cùng quan trọng là một lá thư ứng cử (covering letter). Bạn phải tự viết một lá thư (cũng chỉ có độ dài không quá 01 trang giấy A4) gửi tới người tuyển dụng, trình bày nguyện vọng bản thân, làm sao cho nhà tuyển dụng thấy trình độ, kinh nghiệm và kỹ năng của bạn, cũng như sự say mê của bạn cho công việc. Hãy tham khảo một số trang hướng dẫn cách viết một cover letter hiệu quả (ví dụ như Prospects, hay Vitae). Một điều đáng chú ý là những nhà tuyển dụng kiểu phương Tây thường chọn ứng viên có tiềm năng (potential) hơn là những thứ cụ thể trước mắt: tức là một người có background tốt, có motivation sẽ dễ dàng hơn trong việc hấp dẫn. Một cover letter tốt cần phải cho nhà tuyển dụng thấy sự tự tin của bạn trong việc ứng cử vào vị trí, đồng thời cho nhà tuyển dụng thấy bạn có sự say mê như thế nào đối với công việc này và bạn cũng cho nhà tuyển dụng thấy những kỹ năng của bạn được đào tạo để có thể sẵn sàng với công việc. Một cover letter không nên dài quá 1 trang A4, lời lẽ vừa chứng tỏ sự tự tin, lại vừa không tỏ ra kiêu căng, vừa khiêm nhường mà không quỵ lụy xin xỏ. Nếu như CV là một giấy tờ quan trọng nhất trong bộ hồ sơ mà ở đó nhà tuyển dụng có thể biết một cách sơ bộ về trình độ của bạn (bằng cấp đào tạo), khả năng và kinh nghiệm làm việc liệu có thích hợp cho công việc, các thành tích khoa học của bạn…, thì cover letter lại cho nhà tuyển dụng thấy bạn có nhiệt huyết và say mê như thế nào đối với việc nghiên cứu, qua đó đánh giá được potential của bạn.
Để viết được covering letter hay, thì đầu tiên bạn nên hiểu rõ người nhận thư của bạn là ai? Hãy vào trang internet để tìm hiểu đề tài đang tuyển bạn, để bạn hiểu rõ hơn supervisor tương lai của bạn đang hướng đến mục tiêu gì, và cần gì? Thậm chí bạn có thể tìm một số công trình tiêu biểu của supervisor, đọc và hiểu thêm, qua đó “ba hoa” được rằng bạn thích thú với việc nghiên cứu với supervisor đó như thế nào! Biết mình biết người, trăm trận không thất bại!

4. Chuẩn bị một research proposal

Tiếng Việt gọi “research proposal” (RP) là “đề cương nghiên cứu”, tức là một kế hoạch chuẩn bị sẵn liệu bạn sẽ tiếp cận với đề tài nghiên cứu như thế nào, và định làm gì để thực hiện thành công đề tài trong thời gian bạn học ở đó. Có nghĩa là bạn phải nghiên cứu kỹ thông tin tuyển dụng và hướng nghiên cứu tại nhóm mà bạn sẽ apply. Trên thực tế, không nhất thiết supervisor bắt bạn sẽ theo kế hoạch đó, bởi họ đã có đã có một kế hoạch cụ thể để có thể hoàn thành project và research proposal chẳng qua như một bài kiểm tra trình độ của bạn, khả năng nhìn nhận và giải quyết vấn đề đến đâu mà thôi. Việc chuẩn bị một research proposal chu đáo cho thấy rằng bạn thật sự quan tâm đến công việc này như thế nào, minh chứng thêm với supervisor rằng bạn thật sự say mê ra sao và có kiến thức về ngành tốt như thế nào, hỗ trợ thêm cho những điều bạn vừa “chém gió” ở trong cover letter. Chú ý là đừng viết quá dài dòng, khoảng dưới 4 trang A4 là đủ cho một research proposal của một PhD candidate. Trong nhiều trường hợp, nhà tuyển dụng có thể thay thế research proposal bằng việc yêu cầu viết một statement of purpose (SoP). Thực tế thì SoP có nội dung không giống như Research Proposal, nó như một tiểu luận nhỏ để thuyết phục nhà tuyển dụng rằng tại sao nên trao học bổng cho bạn, hơn là trình bày một kế hoạch nghiên cứu. Đối với các ứng viên PhD, SoP không được ưa chuộng bằng RP. Tất nhiên cũng tùy ngành học, điều này có thể ngược lại.

5. Gửi hồ sơ và chờ đợi

Việc apply ở các nước phát triển hầu hết đều được thực hiện qua mạng (e-mail, qua web uploader…) bằng cách gửi đi các electronic files giấy tờ bạn đã chuẩn bị. Bạn hãy chuẩn bị một cách kỹ lưỡng nội dung e-mail gửi đến địa chỉ người nhận hồ sơ. Hãy cẩn thận khi soạn thư, sử dụng lời lẽ đúng mực và viết đúng vị trí người nhận. Tôi từng mắc phải một lỗi là vì gửi apply quá nhiều trường và bị nhầm lẫn người gửi. Sau khi gửi rồi mới nhận ra mình nhầm, vừa ân hận, vừa xấu hổ về thói ẩu của mình. Và sau đó, tôi rút ra kinh nghiệm là khi mình chuẩn bị các file hồ sơ, cần lưu chúng vào từng folder riêng và không bao giờ gửi apply nhiều nơi trong cùng một thời gian ngắn. Chỉ nên chuẩn bị hồ sơ apply một nơi trong một thời điểm để dành thời gian chuẩn bị cho chu đáo và cẩn thận.
Tôi từng chứng kiến một số bạn Việt Nam gửi thư apply và nhận thấy hầu hết đều bị mất điểm do thiếu văn hoá giao tiếp bằng e-mail: hoặc là viết một cách cụt ngủn (thiếu lễ độ), hoặc là trình bày một cách dài dòng vòng vo, không nói lên nội dung chính của covering letter và nguyện vọng của bản thân (dài dòng) – hành văn theo lối suy nghĩ Việt Nam.
Khi bạn đã gửi mail, nếu bạn nhận được phản hồi tích cực từ phía nhà tuyển dụng, tức là bạn đã có những thành công bước đầu và có quyền hi vọng cho những thành công tiếp theo. Hãy đọc kỹ e-mail phản hồi và cố gắng phản hồi lại một cách cẩn thận và sớm nhất có thể. Hãy chứng tỏ thiện chí của bạn và đừng bao giờ để e-mail của nhà tuyển dụng bị rơi tõm vào biển im lặng, bạn dù không tiếp tục apply cũng nên đáp lại một cách lịch sự thay vì mất hút con mẹ hàng lươn.

6. Chuẩn bị cho phỏng vấn

Các ứng viên ở xa thường được phỏng vấn qua điện thoại hoặc qua các công cụ chat trên internet, mà phổ biến là dùng Skype. Nội dung interview thường không có khuôn mẫu và không hoàn toàn giống nhau, nhưng điều quan trọng là bạn chuẩn bị việc giao tiếp tốt và chuẩn bị các kiến thức mà bạn biết, đặc biệt liên quan đến hướng nghiên cứu của đề tài. Hãy tạo một không khí nói chuyện cởi mở, thoải mái, đừng tỏ ra mất tự tin hoặc stress. Các giáo phương Tây thường không thích bắt ứng viên rơi vào trạng thái căng thẳng hoặc quá serious, mặc dù họ tuyển dụng rất nghiêm túc. Có thể rất nhiều điều bạn không biết, nhưng hãy trả lời khéo léo rằng, bạn sẵn sàng học cái mới, và cái mới đó không phải là vấn đề quá lớn vì bạn đã có một background tốt.

Phỏng vấn: bước quyết định quan trọng để xin được học bổng.
Trên đây là những bước chung chung mà thường khi apply một PhD studentship, bạn cần quan tâm. Có lẽ nó cũng không có gì đặc biệt lắm đối với những người thường xuyên apply, nhưng với những người chưa có kinh nghiệm lắm với apply PhD studentship, nó có thể có chút gì đó hữu ích.
—————————————————
Chú ý thêm về các loại funds cho PhD students: Bạn nên nhớ là một PhD muốn được cấp visa vào nước nào học, cần clear được 2 yếu tố: i) admission để trở thành sinh viên của trường, ii) funding cho quá trình học. Funding có thể từ nhiều nguồn khác nhau:
-          Các học bổng chính thức bởi các quỹ, các chính phủ. Loại học bổng này thường quy định các tiêu chuẩn rõ ràng về bằng cấp, qualification và các bước thi tuyển rất rõ ràng. Loại học bổng này thường danh giá và tương đối khó (tùy theo quỹ học bổng nào mà sẽ khó đến đâu).
-          Học bổng cấp bởi các trường đại học.
-          Học bổng kiểu research project (như tôi hướng dẫn trên dây) à loại này thường gần giống với tuyển dụng việc làm và không cố định về khuôn mẫu cũng như tiêu chuẩn, mà do chính giáo sư hướng dẫn là người quyết định tuyển dụng. Vì thế đôi khi các nhà tuyển dụng không quá cứng nhắc về các tiêu chuẩn đầu vào, mà quyết định dựa trên cảm nhận về khả năng của ứng viên, và đôi lúc phá lệ nhận các ứng viên tiềm năng dù ứng viên có thể có một số điểm chưa đầy đủ về qualification (ví dụ như cho nợ tiếng Anh đầu vào). Tất nhiên, việc này là mang tính chất cá nhân, không áp dụng phổ quát và do khả năng “chém gió” của ứng viên đến đâu.
-          Học bổng kiểu teaching assistant, research assistant: thường phổ biến ở các trường ở Mỹ. Lúc này, postgraduate khi vượt qua vòng admission của trường, có thể được cấp các vị trí làm trợ giảng hoặc trợ lý nghiên cứu. Thù lao trong quá trình học được trả từ việc làm teaching (trợ giảng cho dạy sinh viên đại học).
Chuẩn bị về chứng chỉ ngoại ngữ: Tiêu chuẩn phổ biến của các trường đại học trên thế giới hiện nay là có các chứng chỉ quốc tế về ngoại ngữ (tiếng Anh thường dùng IELTS, TOEFL, TOEIC…). Hầu hết các trường đại học trên thế giới chấp nhận ba loại chứng chỉ tiếng Anh này (kể cả các nước mà tiếng Anh không phải ngôn ngữ chính thức như Đức, Pháp, Nhật…). Tiêu chuẩn phổ biến là IELTS từ 6.0-6.5, TOEFL khoảng 600 với PBT (hoặc 90 IBT) còn TOEIC khoảng 670. Tất nhiên tiêu chuẩn này tùy thuộc vào từng trường và từng ngành học, bạn nên tham khảo kỹ các tiêu chuẩn admission của trường. Đừng cố ỷ lại rằng supervisor có thể giúp bạn nợ đầu vào tiếng Anh. Ngoài ra, ở các nước như Mỹ, Singapore, để có được admission cho bậc postgraduate, chứng chỉ GRE cũng là một yêu cầu bắt buộc. Một lách khác là nhiều trường đại học ở Nhật Bản cũng chấp nhận cả loại chứng chỉ TOEFL nội bộ – ITP (loại này rất phổ biến ở Việt Nam). Nhiều nhóm nghiên cứu ở các nước Châu Âu (mà không coi tiếng Anh là ngôn ngữ số 1) cũng chấp nhận các sinh viên không có chứng chỉ tiếng Anh quốc tế.
Thêm một điều lưu ý với các bạn có ý định săn tìm các vị trí ở Nhật Bản: Mặc dù Nhật Bản là một nước có nền khoa học tiên tiến, các trường đại học có chất lượng cao và rất đồng đều, tác phong nghiên cứu của người Nhật Bản cực kỳ chuyên nghiệp (tức là có quá nhiều điều tốt để làm PhD ở Nhật Bản), nhưng việc nhận sinh viên lại không hoàn toàn cởi mở như các nước kiểu Âu Mỹ, nên thường không dễ dàng cho một người có thể tự mình gửi đơn ứng cử, apply các vị trí PhD. Thay vào đó, các giáo sư Nhật thường thích các sinh viên thi các học bổng chính thức của chính phủ Nhật (ví dụ học bổng MEXT), hoặc thông qua những mối quan hệ chính thức với các trường Việt Nam để nhận ứng viên. Tất nhiên những điều này không hoàn toàn tuyệt đối, vẫn có nhiều người Việt Nam tự mình apply với các giáo sư Nhật Bản để nhận được các học bổng từ project.
Nguồn: Duc The's Blog
================
Lời bàn: Một bài viết rất công phu và chi tiết. Mình cũng đã từng 1 thời gian săn tìm các học bổng PhD kiểu này và thấy những lời khuyên ở đây rất có ích