.

Ruồi Trâu Blog

BIỆT KÍCH

Lời bàn: Một bài viết hay với một góc nhìn mới lạ về cuộc chiến!


Căn cứ pháo binh trên điểm cao 544 (Firebase Fuller). Làng Quất Xá nằm dưới chân điểm cao này. 



Năm 1967 chị về nhà chồng trong một đám rước dâu tưng bừng. Trong bộ vét mới, trông anh rất điển trai, phong trần. Còn chị, chắc chắn là một cô dâu xinh đẹp rồi. Con gái làng này mấy ai được như chị, khuôn trăng vành vạnh, nước da rám nắng, tươi tắn, nở nang. Dáng người cao, đang độ xuân thì của chị làm cho nhiều trai làng chết mê chết mệt. Vậy mà chị lại chọn anh, một chàng trai ngang tàng ngỗ ngược nhất làng. Chị thích cái tính mạnh mẽ và quyết liệt của anh, chị thích cái tính phiêu lưu, bất cần đời của anh.


Một lễ vu qui đình đám, nhộn nhịp nhất làng Quất Xá.


Ở cái làng này, nhiều nhà có con em đi lính Quốc Gia, nhiều nhà theo Việt Cộng, có nhà cha mẹ và anh trai làm Việt Cộng mà người em lại đi lính. Nhà nào Việt Cộng hay Quốc Gia trong làng đều biết cả nhưng không có sự phân biệt gì, cũng không có chỉ điểm hay ác ôn tàn sát, truy bức các gia đình Việt Cộng. Trong làng biết với nhau thôi. Một cái làng rất “lành”.


Ba mẹ gả chị vào nhà ông bà đây, cũng một phần vì bố mẹ chồng chị là những người theo VC, nuôi và che dấu cán bộ. Chồng chị là con trai một, ba mẹ chị lại hiền lành và rất quí con nên chị cảm thấy thoải mái và hạnh phúc. Đất nhà chồng rất nhiều nên chị được thỏa sức làm lụng, suốt từ sáng đến tối “gieo lúa, trồng khoai”. Sức gái đang thì, mọi việc cứ băng băng như người ta thường bảo “chửa con so, làm cho hàng xóm”.


Chưa tới một năm, cả nhà càng hạnh phúc hơn khi chị sinh một thằng cu kháu khỉnh mà ba nó cứ nhất quyết đặt tên là Nga. Ba cu Nga không có nhà mà đang ở Làng Vây, nơi đơn vị biệt kích đang cùng chốt giữ khu vực Khe Sanh cùng TQLC Mỹ và và TQLC của VNCH. 


Nhưng năm sáu bảy là năm bắt quân dịch rất gắt. Anh phải thường xuyên chốn chạy quân dịch. Lúc thì anh chạy vào Huế, lúc thì trốn ở thị xã Quảng Trị. Tưởng như thế là yên. Ai dè, mấy thằng xã xuống bắt ông già, tra hỏi, đánh đập vì tội che dấu Việt Cộng. Không tìm được chứng cứ, chúng thả về rồi vài ngày lại bắt. Anh căm lắm, tìm bằng được mấy thằng xã, đánh chúng một trận tả tơi rồi bỏ trốn biệt tích.



Anh không nhảy núi theo Việt Cộng vì sợ cha mẹ và vợ con ở nhà bị o ép. Tính sao đây ? Rồi anh quyết định sung vào lực lượng biệt kích Mỹ chỉ với một chủ định đơn giản là về quê dằn mặt mấy thằng xã.


6 tháng trời huấn luyện tại căn cứ biệt kích ở Làng Vây, sau đó hành quân vừa tập luyện vừa truy quét Việt Cộng suốt vùng núi non của Quảng Trị, từ Khe Sanh đến Mai Lộc, rồi xuống An Khê. Khi ở Mai Lộc, gần nhà, anh nhảy về nhà, rình thằng xã khi nó đang đi trên đường 9 và tẩn cho nó một trận thừa sống thiếu chết. Thằng xã làm đơn gửi cho biệt kích Mỹ, kiện anh. Bọn biệt kích thường bao che cho nhau những việc làm tàng của lính nên chúng chỉ làm phép chuyển anh đi Huế, coi như đã thi hành kỷ luật.


Đấy là nói chuyện tay biệt kích này sau nhiều ngày khốn đốn ở Làng Vây – Khe Sanh, cho đến sau cuộc hành quân giải tỏa "Scotland II" và cuộc rút lui kéo dài hai chục ngày của Mỹ tại Khe Sanh tới tận 25/7/1968. Ở thời điểm đó, quân biệt kích (CIDG) là một lực lượng người Việt nằm trong lực lượng của QL/VNCH nhưng do Mỹ tuyển dụng, tổ chức huấn luyện và chỉ huy. Nhân vật có trong chuyện không phải là lực lượng biệt kích SOG dùng để thả xuống miền bắc vì y là người làng Quất Xá chính gốc, không nói được tiếng Bắc.


Sau những ngày khốn đốn ở Khe Sanh, rồi chạy tháo thân từ khe Sanh về tới Mai Lộc, đơn vị biệt kích của y đóng ngay gần căn cứ Camp Carrol của Mỹ (trên cao điểm 241). Y được về nhà và lần đầu tiên được nhìn mặt cu con kháu khỉnh. Nhìn thằng bé cởi truồng mới xinh đẹp làm sao ! Hắn cảm thấy sung sướng và hạnh phúc quá ! Giá như mà quên hết được những ngày trận mạc, máu lửa mới trải qua ?! Trong bữa cơm gia đình, nhìn cảnh ba mẹ khỏe mạnh, vợ đẹp, con khôn, hắn cảm thấy gai gai trong người,. . . Bất chợt thằng cu ọ ẹ muốn tè, mẹ nó vội quay nó ra phía ngoài nhưng hắn rất nhanh, ôm vợ quay lại: “cho nó đái vô mâm mới đã chớ !”. Thằng bé tè ngay một bãi vào mâm cơm trong tiếng cười vui vẻ của cả nhà, nhất là ba nó, vừa cười vừa hò hét” Hây . . . ! Hây . . . !”


Sau vụ đánh thằng xã, hắn bị chuyển vô Huế mấy tháng mới được về lại. Một lần, mượn được xe của gã đại úy, hắn dợt xe thẳng từ căn cứ, rồi dẹt xe thẳng vô sân nhà. Mấy cán bộ Việt Cộng đang hội họp định vọt ra sau nhà nhưng má ngăn lại:


- Thằng đó về, kệ nó, nỏ mắc chi mô ! 


Hắn cảm thấy hãnh diện lắm. Vốn đã ngang tàng nhất cái làng này, chừ lại dữ dằn trong bộ rằn ri biệt kích. Phắp cái, từ trên xe nhảy xuống:


- Chào mấy chú, mấy eng !
- Chứ mậy làm chi mà thăng nhanh dữ hề ? Có xe Jeep chạy rồi tề ! – Một chú nói.
- Bay mần chi thì mần chứ đừng có bắn vào bà con mình đó ! Một chú khác tiếp lời.
- Mấy chú nỏ cần nói mấy vụ đó nữa hề.


Hắn vào nhà để ôm vợ và ngắm thằng cu một lúc rồi quay ra, đi ngay.


Lần khác hắn về nhà cũng gặp mấy cán bộ ở đó. Chuyện lính biệt kích làm càn hắn mang ra kể với niềm tự hào của kẻ ngang tàng. Hắn kể nhiều chuyện lắm làm mấy chú cũng nóng tai. Một chú nói:

- Mậy làm tàng đó đâu có được. Con nhà nghèo mà mần chuyện phá phách dân nghèo, nghe nỏ có được mô.
- Rứa là tui nói mấy thằng, chứ tôi có mần rứa mô.

Hắn chợt nghĩ ra một chuyện, liền hỏi:

- Rứa mấy chú có muốn coi mấy thằng Mỹ không ?
- Mấy thằng khỉ đột đó, coi chi cho mệt.
- Tui nói thiệt đó ! Mấy chú muốn coi, mốt, Chúa Nhựt, tui chở vô cho chú coi.
- Thì mậy chở vô đi !
- Mà mấy chú có đảm bảo là không bắn nó không ? Chú đảm bảo là tui chở nó vô liền. Chú chịu không ?
- Tau đảm bảo chớ ! Mà mậy bảo tao bắn mấy thằng khỉ đột đó, chúng nó về phá hết cái làng này, răng được.
- Vậy chú nghoéo tay tôi nè.
- Được !


Hai hôm sau, đúng giờ hẹn hắn chạy xe Jeep chở một thằng Mỹ, dẹt vô sân nhà. Hắn đưa thằng Mỹ vào nhà, giới thiệu ông bà già, giới thiệu vợ con hắn. Ở trong buồng, mấy chú cán bộ hơi căng thẳng. Mấy khẩu súng, đạn đã lên nòng, cần thiết là vọt lẹ ra lối sau nhà mà bí quá thì rẹt luôn. Còn hắn, hắn nói lõm bõm vài từ tiếng Mỹ kết hợp với ra hiệu chứ có nói được bao nhiêu. Mà khi hắn nói tiếng Việt với ông bà già thì thằng Mỹ cũng chỉ đớp đớp chứ có hiểu cái chi mô nỏ tề.

Chỉ một lúc sau hai thằng lại lên xe. Trước khi đi hắn còn nói vọng vào trong buồng:

- Các chú coi thằng khỉ đột rồi hề ! Tui đã nói là tui mần luôn đó hầy !

Hắn rất đắc chí vì đã đưa được Mỹ về tận nhà cho mấy chú Việt Công coi. Vốn tính thích chơi ngông, một ngày hắn lại nghĩ tìm cách bày ra chuyện khác. Nghĩ rồi hắn rắp tâm thực hiện bằng được.

Một hôm, hắn hỏi mấy thằng Mỹ chỉ huy đơn vị hắn bằng cách vừa nói bập bẹ vừa ra hiệu để diễn đạt rằng: “Chúng mày có muốn được thấy “Vi Xi” không ?”. Mấy thằng Mỹ trố mắt và ồ ồ à à ra chiều muốn được thấy. Hắn hứa sẽ mang “Vi Xi” đến cho mà thấy với điều kiện không được bắn. Mấy thằng Mỹ lại ồ ồ à à đồng ý và ra hiệu “Ô kê !”. Sau khi thỏa thuận chắc chắn với mấy thằng Mỹ, hắn xin về nhà để thực hiện kế hoạch.

Khi về nhà hắn hỏi mấy chú cán bộ:

- Chừ mấy chú có muốn đi coi căn cứ Mỹ mà nắm tình hình không, tui có thể giúp mấy chú vụ này được hầy !
- Mậy nói chuyện ba láp hề ?
- Tui nỏ ba láp mô, thiệc nớ !
- Mi mần cách chi ?
- Chừ ri, mốt tui mang xe ra ni, chở mấy chú vô nớ. Tới nớ, tui chạy từ từ há, các chú cứ quan sát kĩ hề. Rứa thui ! Được không?
Mấy chú bàn với nhau qua lại, rồi một chú huyện đội Cam Lộ nói:
- Tau đi một chắc, mang theo súng hề ?
- Được ! Chú mang thì mang nờ. Mấy thằng Mỹ nỏ bắn mô, tui kêu với tụi nó, chú là người nhà tui mà.

Hai hôm sau, hắn đánh xe Jeep về thật. Một mình chú huyện đội lên xe với hắn. Chú ngồi cạnh hắn, ngay hông cửa. Khẩu Cạcbin chú bỏ lui về phía sau một chút, khóa an toàn mở sẵn cần là chú có thể vói tay đòm liền.

- Chú khỏi cần lo nổ súng. Tui lấy mạng mà đảm bảo với chú, nỏ có chuyện chi hết !

Chú huyện đội cũng mặc một bộ đồ lính, lại ngồi trên xe Jeep với một tên biệt kích, râu ria, kiếng mát đen xì, nên bên ngoài khó mà biết trên xe lại có Việt Cộng. Chiếc xe chở chú cán bộ huyện đội chạy ra khỏi làng rồi vọt lên đường 9. Đi qua căn cứ pháo Binh Camp Carroll một đoạn thì tới trại lính Biệt Động Quân (biệt kích) của Mỹ.

Biệt kích người Việt dưới sự chỉ huy của Mỹ hàng ngày hành quân thâm nhập các vùng do Việt Cộng kiểm soát để do thám lấy tin tức. Lực lượng này thường đi nhỏ lẻ từng toán và kiêng đụng độ với Việt Cộng. Những cuộc hành quân như vậy gọi là hành quân Delta. Hắn cũng thường xuyên tham gia vào hành quân Delta xung quanh Mai Lộc. Những lúc không phải hành quân, lính biệt kích vẫn phải tập luyện nhưng, nói chung tương đối tự do. Hắn nhiều lần được về nhà và chạy xe đi chơi Đông Hà, Quảng Trị, . . .

Khi đi qua các căn cứ Camp Carroll, hắn cho xe chạy chậm để cán bộ có dịp quan sát. Bây giờ đi qua căn cứ biệt kích hắn còn chạy xe chậm hơn, như đi dạo mát vậy. Lúc ngang qua mấy thằng Mỹ, hắn đứng hẳn lên, vẫy tay và hô lớn “hây . . .! hây . . .!”. ra hiệu cho mấy thằng Mỹ chú ý mà dòm. Chú huyện đội thì tha hồ quan sát bố phòng của địch. Còn, mấy thằng Mỹ thì thoải mái ngắm Việt Cộng bằng xương bằng thịt đang ngang qua trước mắt.

Vậy là hắn đã thực hiện được lời thách đố và là một trò đùa ngang tàng của hắn.

Thật là một trò đùa trớ trêu của chiến tranh !

Năm nay thằng cu đã lên ba. Trông nó rất xinh và dễ tính. Hàng ngày tụi trẻ hàng xóm sang nhà chơi và tranh nhau đòi bế nên bà nội vẫn tranh thủ cơm nước và dọn dẹp nhà cửa cho ông nội và mẹ nó đi làm. Thằng bé chỉ bám mẹ nó vào buổi tối, khó mà rời nó mỗi khi mẹ nó cơm nước và dọn dẹp xong. Mỗi lần có họp du kích, chị lại phải tìm cách lừa nó cho ông bà rồi trốn đi. 

Từ ngày anh đăng lính biệt kích, mấy thằng xã không còn dám nhòm ngó gì đến ông bà, chị là vợ anh nên cũng không còn bị xăm soi gì như hồi chị còn ở nhà. Bọn xã cũng biết chuyện, nhưng ở cả cái xã này chuyện có liên quan đến Việt Cộng cũng là bình thường. Cái xã này, ban ngày là của chính quyền, ban đêm là tự do, chẳng làm sao mà kiểm soát được.


Từ năm 1969, Mỹ thực hiện chiến lược Việt nam Hóa và đến năm 1970 thì lực lượng biệt kích cũng được giao lại toàn bộ cho quân lực VNCH. Lực lượng biệt kích từ đó trả lại vào biệt động quân như vốn có từ thuở ban đầu. Vậy là nhân vật của chúng ta chuyển đổi từ binh chủng mũ xanh sang binh chủng mũ nâu. Lực lượng này không còn là lực lượng đặc nhiệm có tổ chức từng đại đội mà đã phải tan biến vào 15 liên đoàn biệt động quân (BĐQ, tính đến năm 1971) và phải tham chiến đối mặt với quân giải phóng.

Anh được biên chế về liên đoàn 1 BĐQ đóng ngay ở làng Đại An Khê cách thị xã Quảng Trị về phía nam 3 kilômét. Kể từ ngày đó anh cũng ít được về thăm gia đình hơn. Tuy vậy, cuối năm 1970 anh chị lại có thêm một thằng cu nữa. thằng cu này còn xinh hơn cả thằng anh. Môi nó đỏ chót, nước da trắng trẻo, khác hẳn màu da của ba, mẹ và thằng anh. Mỗi lần được về vui mừng bao nhiêu thì lúc đi anh lại bùi ngùi luyến tiếc mà ngắm vợ và hai cu con, . . . ba bức tranh tuyệt đẹp, máu thịt, của riêng anh.

Anh được tạt qua nhà vào ngày Tết Nguyên Đán Nhâm Tý (1972). Nghe nói, quân đội điều động lực lượng để chuẩn bị đối phó với đối phương sắp đánh lớn. Quân khu 1 VNCH căng lên như dây đàn. Đây được coi như tuyến đầu đối mặt trực tiếp với đối phương ở phía Bắc. Phòng tuyến này ví như một tuyến đê ngăn chặn thắc lũ từ phía Bắc. Lính tráng bị cấm trại. Nhiều lực lượng được điều động bổ xung cho Quảng Trị và Thừa Thiên, ban đầu gồm có 2 sư đoàn bộ binh số 1 và số 3, liên đoàn dù biệt kích 81, liên đoàn đoàn biệt động quân số 1, hai lữ đoàn thủy quân lục chiến 147 và 258, các lực lượng địa phương quân cũng có tới một vạn lính. Đấy là chưa kể đến pháo binh, thiết kỵ, . . .

Lực lượng đông đảo như vậy, đi đâu cũng thấy lính. Nhiều lực lượng khác nhau chồng lấn lên nhau và lính tráng bắt đầu lợi dụng để làm càn. Tuy tình hình nhộn nhạo nhưng những người lính lại cảm thấy vững lòng lắm. Riêng anh thì khác, anh thấy lo lắng. Có đánh lớn, không biết sẽ ác liệt thế nào, vận mạng của miềng có cách chi mà bảo toàn được. Anh đi lính như một điều bắt buộc chứ không có ý tưởng gì chống cộng. Anh chỉ thích cuộc đời lính thời bình. Nó như là một trò trơi ngông nghênh và thú vị. Bây giờ phải làm sao đây ? Trong đầu anh bắt đầu nung nấu một kế hoạch.

Ngày 30/3/1972, quân giải phóng bắt đầu bắn pháo và vượt qua khu vực DMZ. Chiến dịch xuân hè 1972 đã mở màn. Rất nhiều sách báo đã nói về các trận chiến ác liệt giằng co ở các chiến địa Quảng Trị năm đó. Từng ngày từng giờ liên tiếp tin các căn cứ quân sự Dốc Miếu, Cồn Tiên, Đầu Mầu, Fuller, Carroll, . . . bị mất vào tay Quân Giải Phóng. Ngay từ ngày 2/4 cả Đông Hà, Cam Lộ và suốt đường 9 đã bị mất. Ở Carroll, trung tá Phạm Văn Đính, trung đoàn trưởng và trung tá Vĩnh Phong, trung đoàn phó trung đoàn 56 sư đoàn 3 đã dẫn 1500 quân ra đầu hàng mà không hề kháng cự.

Trời ạ ! Sao mà mất quá nhanh như vậy ? Tinh thần lính tráng bắt đầu hoang mang dao động. Chết thì anh đâu có ngán, nhưng mà anh không muốn chết. Anh cũng chỉ là một hạt cát trên cái xa mạc chiến địa khổng lồ này. Anh chết thì có ý nghĩa gì đâu vì nó sẽ tan biến như muôn hạt cát khác vào lòng đất. Miềng phải sống chứ, miềng phải sống để trở về ! Anh nhớ hai thằng cu quá. Chúng nó không thể mất ba được.

Rồi cơ hội đã đến. Khi Quân Giải Phóng tấn công căn cứ Phượng Hoàng (Pedro) và Ái Tử thì pháo cấp tập bắn vào khu vực thị xã Quảng Trị và phía sau Quảng Trị. Lợi dụng lúc pháo bắn rát rạt, anh chĩa khẩu M16, để nấc bắn phát một, đầu nòng súng cách bàn chân chừng 20 phân.

Đòm . . . ! . . . Mũi giày lủng một lỗ, ngón chân cái của anh vỡ tung. Anh nghiến răng, tháo giày, bọc vết thương bằng miếng gạc cầm máu và băng cả bàn chân lại. Sau khi pháo ngớt, anh được đưa về phía sau cùng với những người bị thương khác.

Làng Quất Xá thật là nhộn nhịp. Nhà nhà lục tục kiếm vải may cờ giải phóng. Mấy cái máy may trong làng suốt ngày chỉ may cờ. Có người muốn nhanh thì khâu cờ bằng tay. Kích cỡ và hình dáng ngôi sao chỉ ang áng, thành ra có đủ các kiểu, sao béo, sao gầy, sao to, sao nhỏ. Ủy ban xã lâm thời đang tìm trụ sở và rộn rịch chuẩn bị ra mắt. Vui nhất là đội du kích thôn. Các cô cậu du kích chạy khắp làng vận động bà con chuẩn bị biểu tình ủng hộ chính quyền cách mạng, vận động các thanh niên gia nhập du kích quân để bảo vệ xóm làng và giúp đỡ bộ đội chiến đấu. Thật đúng là ngày hội. 

Làng Quất Xá cũng có một số người chạy vào phía trong, nhưng những gia đình đó chỉ đếm được trên đầu ngón tay. Mà những gia đình đó, phần lớn người già vẫn còn ở lại. Có người thực sự sợ bị Giải Phóng trả thù vì gia đình có nhiều người đi lính, hoặc là sỹ quan. Tuy nhiên, chủ yếu người ta sợ bom pháo của Quốc Gia sẽ dội vào làng. Đặc biệt có một hai nhà thực sự ghét Giải Phóng. Những ngày đó, họ đóng cửa, âm thầm ở trong nhà nghe ngóng. Khi du kích đến vận động tham gia phong trào, họ lấy lý do này khác để không tham gia. . . . Cuộc chiến làm li tán lòng người trong một cộng đồng làng xóm – quê hương là điều không tránh khỏi ! 

Chị cũng rất vui nhưng trong lòng cũng quặn thắt nỗi lo cho anh. Hòn tên mũi đạn nào có mắt để tránh ai được. Cứ đêm đến nhìn mẹ chồng thảng thốt thở dài và bố chồng đã ít nói càng ít nói hơn, bất giác chị đưa tay chùi hai hàng nước mắt. Hai thằng cu đã ngủ ngon lành từ lúc nào. Chị thương chúng quá. Nói dại, bom pháo của Quốc gia, bất cứ lúc nào cũng có thể dội lên nóc nhà của chị. Chị không dám nghĩ thêm nữa. Rồi bỗng chị đứng phắt dạy, chị chạy sang nhà chú xã đội. Vừa vào đến nhà, chẳng kịp chào hỏi, chị đã hoảng hốt nói:

- Chừ không cho bà con mần hầm, mai mốt pháo nó bắn thì chú mần cách chi ?
- Ừa ! Mi nói trúng rứa, vầy mà tau không nghĩ ra. Chừ ri, mi đi kêu mấy đứa báo bà con, mai cả thôn miềng mần
a hầm. Tau nói bộ đội họ bày cách mần hầm tránh bom cho bà con hề.
- Thui, tui chào chú tui đi ! 

Những ngày đầu giải phóng, làng xóm chộn rộn việc may cờ, biểu tình mít tinh rồi làm hầm, . . . dần dần đã lắng xuống. Mỗi nhà bây giờ đã có hầm tránh bom, có nhà còn làm hai hầm để phân tán gia đình làm hai, đề phòng bom trúng hầm này thì còn hầm kia. Cuộc sống đã trở lại bình thường. Năm nay nhà chị vừa mần ló, trồng củ và gieo đậu phộng. Việc đồng bận suốt ngày, từ sáng đến tối mịt. Tất cả chỉ trông vào chị và cha chồng. Từ ngày liên lạc với anh bị đứt, anh không còn hỗ trợ được đồng nào. Tuy vậy, nhà chồng chị nhiều ruộng nên cuộc sống vẫn tạm ổm. Vả lại, đất ở quanh làng còn nhiều lắm. Nếu nhà nào cần thì cũng có thể khai khẩn thêm đất hoang, chỉ lo không có đủ sức mà làm thôi.

Đội du kích thôn thường xuyên sinh hoạt vào buổi tối. Họ tập hát các bài hát cách mạng, nghe phổ biến tình hình chiến sự trên cả nước. Hàng đêm du kích phân công nhau canh gác bảo vệ làng xóm. Súng đạn rất thiếu, cả đội chỉ có vài khẩu súng cạc bin, một khẩu AR15 lượm được. Trên có trang bị thêm vài khẩu CKC chứ không có một khẩu AK nào. Đội du kích phân nhau ra mà tập xạ kích ở bãi trúc đào ven sông Cam Lộ, phía sau làng.

Ba tháng sau ngày giải phóng, làng Quất Xá đột nhiên trở nên đông vui vì có bộ đội về đóng quân. Đó là một bộ phận của d24 quân y và một cái kho lương thực - thực phẩm của c20 trinh sát sư đoàn 325. Đội du kích đặc biệt vui vì có những đêm sinh hoạt “kết nghĩa” với bộ đội. Bộ đội toàn là những thanh niên trai tráng. Họ sống vui vẻ và chan hòa cùng với các gia đình. Họ chuyện trò với người già, chơi đùa với trẻ con. Họ sắn tay vào củng cố đắp dày thêm các căn hầm bằng bao cát và làm thêm các hầm mới. Họ sẵn sàng giúp đỡ các việc nặng nhọc của gia đình. Họ gọi người già là cha mẹ, xưng eeng út với đám thanh niên. Từ lúc nào họ thật sự đã như các người thân trong gia đình. Xóm làng trở nên ấm cúng và vững chãi lạ thường. Tuy vậy, ai đó cũng thấy lo lắng hơn vì bộ đội ở trong làng, Quốc Gia sẽ đem bom đạn đến mà dội trên đầu. 


Ban ngày vất vả ngoài đồng, rồi cơm nước cho cả nhà, buổi tối lại sinh hoạt đội, thế mà sức gái đang xoan cứ phăng phăng. Chỉ có về đêm chị mới thấy buồn và lo lắng. Phía thành phố Quảng Trị ngày đêm ùng oàng, không lúc nào ngớt. Không biết anh có còn ở đó hay . . . . Chị không dám nghĩ tiếp nữa mà cảm thấy hoang mang, bồn chồn và sợ hãi. Người lính cũng có lúc phải lo lắng và sợ hãi vì bom đạn nhưng cũng chỉ là thoảng qua. Cũng có lúc họ nhớ gia đình vợ con nhưng chỉ là thỉnh thoảng. Chỉ có những người mẹ và những người vợ, không lúc nào là không khắc khoải xót xa, tê tái, chờ trông. Đêm đêm, không biết bao nhiêu khúc ruột đàn bà thổn thức, quặn thắt, không biết biết bao nhiêu nước mắt đàn bà chảy dài, đêm đêm . . . 

Được đưa về quân y viện ở tuyến sau như ý muốn nên tuy có đau chân một chút nhưng anh rất hài lòng. Anh biết gia đình anh đang ở trong vùng giải phóng, sẽ không có chuyện gì đáng lo. Cả ba mẹ và vợ anh đều gắn bó với Việt Cộng. Những cán bộ Việt Cộng ở xã anh thì ai cũng biết gia đình anh. Vì thế anh cảm thấy thanh thản và nhẹ nhõm hơn lúc nào hết.

Nhưng sự đời nào có ai ngờ. Khi anh về quân y viện hôm trước thì hôm sau đã có thư gởi tới viện. Lá thư tố cáo anh đã tự thương chứ không phải bị thương do chiến đấu. Tội tự thương còn tệ hơn tội đào ngũ vì nó còn làm gánh nặng cho quân lực. Thêm nữa, người ta cũng không thể sử dụng làm lao công đào binh đối với lính đã bị tàn tật. Vậy là trong khi cấp cứu, chạy chữa cho các quân nhân bị thương khác, người ta bỏ mặc anh, không hề khám, cũng không hề cho một viên thuốc kháng sinh nào. Ngược lại, anh còn bị giám sát rất kỹ bởi mấy tay bảo vệ của viện, bởi muôn vàn ánh mắt các đồng ngũ khác ở xung quanh. Không ai thèm hỏi chuyện anh, hễ có phải đi qua chỗ anh là họ ngoảnh mặt đi, có người còn nhổ nước miếng. Một vài ánh mắt tỏ ra đồng cảm với anh, thì, những người đó cũng chẳng dám biểu lộ ra.

Quá nhiều lính bị thương. Rất nhiều ca nặng. Các quân y sỹ phải liên tục làm việc quần quật suốt ngày. Họ chẳng có lý do gì mà phải chạy chữa cho anh mặc dù lương tâm thày thuốc có đôi lúc làm cho họ cảm thấy áy náy. Chiến trận đuổi theo cái quân y viện này ngày càng gần. Quân y viện buộc phải chuyển sâu về Huế. 

Vài ngày sau, vết thương của anh bị sưng tấy vì nhiễm trùng. Anh nghiến răng chịu đựng, không kêu la một lời. Một mình anh phải tự di chuyển, không được ai giúp đỡ và động viên an ủi. Anh không thể ngờ được số phận lại có ngày mạt kiếp, đen tối như thế này. Chợt anh nhớ ra, có lần thằng Đáng đang quấy phá dân ở ngã ba Long Hưng thì gặp anh. Nó đã bị anh quát nạt bắt dừng lại và xin lỗi dân. Từ đó nó rất căm thù anh. Chắc hẳn đây là cơ hội tốt nhất để nó trả mối hận. Không biết nó có nhìn thấy anh tự bắn vào chân hay nó cứ tố cáo bừa. Thằng khốn nạn đó, cầu cho pháo nó dập lên đầu mày !

Anh bị nhiễm trùng nặng, toàn bộ chân trái của anh sưng tấy, trương lên như cây chuối hột. Người anh sốt nóng hầm hập rồi lại sốt rét run cầm cập. Vẫn không ai đoái hoài đến anh. Chắc hẳn chúng nó muốn anh chết luôn đi cho rảnh. Trong cơn mê sảng anh nghe láng máng ai đó nói:

- Thưa trung tá bác sỹ. Trung tá cứu cậu ấy không có cậu ấy chết mất.

Rồi anh thấy mọi vật quay cuồng trên đầu, mờ mờ, ảo ảo, hai thằng cu, rồi vợ và cha mẹ anh ẩn ẩn, hiện hiện phía sau lưng chúng. Anh thấy mình cứ bay lên cao mãi. Ồ ! anh đang ở trên đỉnh cái Fuller đây mà. Cái chân đột nhiên đau quá, anh co chân lại, thì, mất thăng bằng và trượt từ trên đỉnh núi xuống. Anh rơi ngày càng nhanh. Bãi trúc đào nơi bờ sông Cam Lộ với hững hòn đá tảng nhấp nhô bên bờ nước, từ phía dưới đang tiến vùn vụt trước mặt anh. Chỉ một giây nữa thôi là anh sẽ đập xuống bãi đá. Rầm . . . ! Bừng tỉnh dậy, anh thấy mình vừa ngã từ trên giường xuống đất. Thì ra một thương binh nằm chung giường đã đẩy anh, chạm phải cái chân đau, rồi anh rơi xuống đất.

Ba tuần sau ngày bị thương, cái chân của anh đã hoại tử, ăn lên đến ống chân. Anh không còn cảm giác gì nơi bàn chân nữa mà chỉ thấy cái đau ngày càng dữ dội và lan tỏa khắp nơi trong cơ thể. Anh không còn ý thức được về thời gian, anh cũng không nhớ mình đã ăn uống, vệ sinh như thế nào. Hễ có cơ hội là cơn sốt nung nấu lại ập đến và anh lại rơi vào mê sảng.

Anh thấy một quầng sáng chói lọi đang chao đảo trước mắt. Rồi anh thấy nhói đau ở cánh tay. Choàng tỉnh dậy anh thấy mình đang lơ lửng ở trên cao. Ánh đèn dọi vào mắt làm anh không mở mắt ra được. Anh không biết người ta đang chuẩn bị cưa chân anh. Anh thấy đau ở tay là do họ tiêm thuốc và gây mê cho anh. Hoại tử đã ăn mất cả bàn chân. Muốn cứu anh người ta phải tháo khớp và bỏ hẳn bàn chân đi. Các bác sỹ còn chuẩn bị phương án, nếu tháo bàn chân mà vẫn còn phần cơ xương bị hoại tử thì phải cắt khúc ở cao hơn. Đấy là về sau anh nghe bác sỹ nói và mọi người kể lại. Mọi người còn nói, nếu chỉ chậm một hai ngày nữa thì sẽ tử vong vì nhiễm trùng máu. Họ cũng bảo rằng anh có sức đề kháng tốt nếu không thì cũng đi rồi.

Khi anh tỉnh dậy vì cái chân đau rát như phải bỏng thì nhận thức cũng trở lại. Anh thấy mình nằm trên một mảnh chiếu trải dưới đất ở trong một ngôi nhà của một người dân nào đó. Quân y viện không còn chỗ cho lính bị thương. Họ phải trưng dụng các nhà dân xung quanh. Một số tình nguyện viên là các bà, các chị đang chăm sóc cho các thương binh. Đây đó tiếng kêu rên vì đau đớn. Mùi máu từ các vết thương, mùi thuốc sát trùng và mùi cồn iôt nồng nặc. Quang cảnh thật là hãi hùng và buồn thảm.

Không biết lúc mê sảng anh có kêu thét hay rên la gì không nhưng, lúc tỉnh thì anh nghiến răng chịu đựng không bao giờ bật ra tiếng. Lúc mới tới quân y viện anh đã một lần cầu xin bác sỹ chạy chữa cho anh nhưng các bác sỹ đã ngoảnh mặt đi. Từ đó anh nhất quyết không cà ràm thêm một lần nào nữa. Có lúc tỉnh táo đã tin rằng mình sẽ chết. Vậy mà bây giờ anh đã được chữa chạy. Anh nhìn xuống chân và biết rằng mình sẽ mãi mãi là người tàn phế. Sau này, chắc chắn, khi kêu tên anh người ta sẽ đính kèm một chữ . . . “cụt”.

Khi vết thương đã đỡ nguy hiểm, anh được chuyển về phía sau trên chiếc xe tải cùng với nhiều thương binh khác. Cứ di chuyển dần dần như vậy, không rõ thế nào mà, sau vài tháng anh đã được chuyển tới Vũng Tàu (chuyện anh kể, người viết không nhớ là ở quân y viện hay trại nào ở Vũng Tàu)

Chuyện chàng lính biệt kích ngang tàng kể đã đến hồi kết. Tuy nhiên ta sẽ gặp lại anh sau ngày hòa bình, trong một cuộc sống khác.

Ngay từ trước khi quân Giải Phóng tiến đánh, trên bản đồ Quảng Trị, từ vùng bán sơn địa lên đến vùng rừng núi của đồng bào Vân Kiều, dưới mỗi tên làng lại kèm theo chú thích “Destroyed” (Đã bị hủy). Quốc Gia đã bắt dân rời bỏ làng và di chuyển tập trung về “khu vực an ninh”. Mục đích chính là để tách dân khỏi Việt Cộng, không cho họ có chỗ dựa để hoạt động. Những vùng đó, Mỹ thoải mái thả bom và Quốc Gia tha hồ kích pháo. Xét cho cùng, việc làm đó chủ yếu để cản trở hoạt động của đối phương.

Những vùng mà Quốc Gia kiểm soát được thì làng xóm chưa bị động tới. Người dân vẫn được sống và làm ăn trong làng xóm và ruộng đồng của họ.

Kể từ ngày quân Giải Phóng đánh chiếm Quảng Trị thì bom B52 và pháo kích cũng bắt đầu dội lên những cánh rừng, các con đường và cả làng mạc nơi mà Mỹ và Quốc Gia nghi ngờ có đối phương đóng quân hay là đường hành quân và vận chuyển. Nhiều thôn làng vùng Nhan Biều, Ái Tử, La Vang, Tri Bưu, Như Lệ, Tích Tường, Chợ Sãi, Nại Cửu, Bích La, An Mô, An Lộng, An Tiêm, Đầu Kênh, Linh An, Long Quang, Lệ Xuyên . . . . liên tục bị oanh kích cho đến khi không còn một nóc nhà nào, không còn một cái cây nào nguyên vẹn. Chỉ trong một thời gian ngắn, bao nhiêu thôn làng thực sự "Destroyed” (Bị hủy diệt) vì bom pháo, không thể kịp mà cập nhật trên bản đồ.

Vậy mà cái làng Quất Xá trù phú này vẫn nguyên vẹn thì kể cũng lạ.

Rồi một ngày, khi bà con đang cơm nước buổi trưa thì chợt nghe từ xa ba tiếng súng. Ấy là tín hiệu báo động B52. Rồi lại ba tiếng súng nữa bắn lên ở ngay trong làng. Như mọi lần báo động khác, bà con lục tục kéo nhau xuống hầm. Không ai ngờ, lần này B52 trút thẳng bom lên đầu họ. Các căn hầm rung lên bần bật. Rồi đến các mảnh bom bổng, liệng vù vù như chong chóng, rơi lịch bịch trên đất, leng pheng vào mái tôn cùng với đất đá ầm ào rơi loảng xoảng trên đó, khói bụi mù mịt. Cả ba loạt bom đều trúng vào làng.

Rất may, cả nhà chị đã kịp xuống hầm và không bị trúng bom. Hai thằng cu sợ hãi, khóc ré lên. Thằng lớn ôm chặtt cổ bà nó còn thằng bé thì túm chặt lấy chị và rúc sâu vào lòng. Chúng vừa khóc vừa ho sặc sụa vì hơi bom. Bố chồng chị ở gần cửa hầm nhất. Ông nhảy khỏi hầm đầu tiên.


Một cảnh tan hoang chưa từng thấy. Cây cối trong vườn lẫn với đất đai, cây que và những mảnh tôn ngổn ngang khắp nơi. Trái nhà bên tay mặt đã bay mất, phần còn lại của ngôi nhà bị đổ siêu về một phía . Mái nhà tốc gần hết chỉ còn vài tấm tôn. Một tấm tôn thõng xuống, vẫn đang đung đưa.

Ông già chưa cho mọi người lên khỏi hầm nhưng chị đã bỏ thằng bé xuống cho bà nó và lao ra. Chị tất tả chạy qua đống đổ nát, bươn sang các nhà khác, vừa hay nhìn thấy bộ đội và mấy du kích khác cũng đang bổ đi tìm kiếm các hầm bị vùi lấp . . .

Xã và du kích hết sức động viên các gia đình đi sơ tán lại. Lại nói, trước đó, dân Quất xá đã được đưa đi sơ tán ở Quảng Bình từ đầu tháng 4/1972. Ở Quảng bình, họ nghe ngóng tình hình chiến sự Quảng Trị, thấy quân Giải Phóng đã tiến rất xa xuống tận Mỹ Chánh. Thế là lần lần, sau 3 tháng, hầu hết mọi người đã trở về Quất Xá. Bây giờ, sau trận bom, mặc dù du kích hứa sẽ canh gác bảo vệ nhà và tài sản cho dân nhưng rất ít người chịu đi sơ tán, phần lớn bà con ở lại làng, sửa lại hầm và nhà cửa và tiếp tục sống, chấp nhận nguy cơ có thể bị đánh bom. Họ không muốn rời bỏ làng và ngôi nhà thân yêu đã gắn bó nhiều đời nay một lần nữa. 

Mấy hôm sau, khi việc chôn cất những người đã bị bom Mỹ giết hại vừa mới xong, một số bà con chuẩn bị đi sơ tán ra Quảng Bình.

Sáng hôm đó, ai đi sơ tán thì chuẩn bị đồ đạc để chiều tối sẽ lên đường. Những người ở lại thì bắt tay vào việc sửa hầm, . . . Bất ngờ một ánh chớp sáng chói, một tiếng nổ lớn, vang dậy đất trời, sau đó liên tiếp là những tiếng nổ lớn khác. Bấy giờ mọi người mới ngơ ngác nhận ra là đang bị máy bay cường kích bổ nhào thả bom vào làng. Những tiếng kêu thất thanh, tiếng chân chạy hỗn loạn lao về các hầm trú ẩn, . . .

Khi cả nhà đã ở trong hầm, chị vẫn nghe những tiếng nổ lớn khác. Sau khi ngừng tiếng bom, chừng vài chục giây gì đó, lại nghe thấy những tiếng nổ nhỏ lụp bụp kèm theo là “tóe lọe” tiếng như bắp rang trên các mái nhà.

Trời ạ ! Chúng dùng bom tấn để đánh vào làng rồi lại rải bom bi kèm theo. Đây là một chiến thuật giết người “hiệu quả cao” và “hoàn hảo”. Vậy mà nó được sử dụng để tấn công một ngôi làng trù phú và đông dân cư. Thật là táng đởm – kinh hoàng, . . . !

Khi chị lên khỏi hầm và chạy ra phía sau nhà để sang hàng xóm thì chị thấy cả một khoảng trống rất xa. Hai ngôi nhà phía sau đã bay mất, ở giữa hai ngôi nhà là cái hố bom, trông như một cái ao cạn, hình phễu, to và sâu hoắm. Nhìn cảnh tượng đó, chị bỗng bủn rủn hết người và khuỵu xuống. Chị cảm thấy mắt hoa lên, trời đất chao đảo, . . . . Chị run quá, không thở được nữa, . . . Không ý thức được thời gian đã trôi đi bao nhiêu lâu nữa, chị cứ rũ ra như vậy cho đến khi cha chồng đỡ chị để đưa vào nhà thì chị chợt bừng tỉnh. Chị thở hắt ra một tiếng rất mạnh rồi hồng hộc thở như người vừa chạy maratông về đích. Chị nói: “Cha để con đi cứu người !” mà không nói được thành lời, chỉ là những tiếng lập bập của môi và răng.

Tiên sư bố chúng nó ! Tổ cha cái chiến thuật hiệu quả cao và hoàn hảo – một chiến thuật mất hết nhân tính !

Mặc dù Quốc Gia cực lực phản đối các chương mục trong bản hiệp định Pari, nhưng cuối cùng, ngày 27/1/1973, bốn bên tham gia hội nghị đều đã ký vào bản hiệp định. Ngày 28/1/1973 là ngày hiệp định có hiệu lực. Những ngày đó các báo và đài Sài Gòn liên tục đưa tin và các bài viết về việc rút quân đội Mỹ rồi việc sẽ có tổng tuyển cử ở Miền Nam Việt Nam. Những bài viết của chính quyền rất quyết liệt, nói về sự phản bội và bỏ rơi đồng minh của người Mỹ. Trong khi cuốn cờ rút quân đội khỏi Miền Nam, người Mỹ vẫn hứa sẽ tiếp tục viện trợ quân sự và cố vấn cho quân lực VNCH. 

Những ngày này dân chúng Vũng Tàu rất chộn rộn. Họ sôi sục bàn nhau về các điểm trong 9 chương của hiệp định. Nhiều người Quốc Gia lo lắng cho tổng tuyển cử thì Việt Cộng sẽ thắng thế. Chính quyền ông Thiệu quá mất tín nhiệm vì tham nhũng và sách nhiễu dân chúng. Những người ghét Quốc Gia thì mở cờ trong bụng và hy vọng tổng tuyển cử sẽ chọn ra chính quyền mới, . . . Dù ủng hộ bên nào thì người dân đều cảm thấy sung sướng vì không còn chiến tranh. Con em của họ sẽ không phải đi vào chỗ chết. Đất Việt này sẽ thoát khỏi cuộc chiến “huynh đệ tương tàn, nồi da sáo thịt”.

Vết thương của anh đã lành. Anh cảm thấy vui lắm vì dù thế nào anh cũng không bị bên nào ghét bỏ. Anh sẽ được về với hai thằng cu. Nghĩ đến người vợ xinh đẹp khỏe mạnh và hiền hậu anh thấy nhớ quá, mong quá. Không biết bao giờ mới tổng tuyển cử và được đi lại tự do ?

Cái ngày mong đợi đó chắc là không đến được. Anh thấy quân đội vẫn được viện trợ thêm nhiều vũ khí đạn dược. Các đơn vị đều được củng cố rồi điều động hành quân liên tục. Đụng độ giữa hai bên ngày càng nhiều hơn. Anh không còn tin tưởng vào việc thực hiện hiệp định nữa. Quốc Gia và Việt Cộng chắc chắn là sẽ quyết giành chiến thắng bằng quân sự chứ không có chuyện hòa bình. Vậy là ngày trở về không biết sẽ là bao giờ. Thật là nản quá.

Anh không còn bàn chân. Thay vào đó, để đi lại được, người ta phải gia cố thêm ở đoạn cuối và cố định vào đó một đoạn tre để anh có thể đi lại được. Lúc đầu, lấy thăng bằng chưa quen và rất đau nên anh phải nhờ đến nạng. Anh kiên trì tập luyện và dần dần bỏ hẳn nạng. Khi nào cần “lịch sự” anh sẽ mặc thêm vào đoạn tre một bàn chân giả, đi giầy hẳn hoi còn bình thường anh vẫn thấy thoải mái hơn khi không dùng chân giả.

Rồi anh gặp một người con gái. Cô ấy rất thương và yêu anh cho dù anh bị tàn phế. Cô gái thích anh ở cái tính ngang tàng, quyết liệt và dứt khoát. Còn anh thích cô gái ở sự hiền thục và dịu dàng. Chuyện lấy một phế binh bị gia đình cô gái phản đối nhưng không quá quyết liệt vì bấy giờ chuyện đó là chuyện bình thường. Nhưng mối tình của họ bị phản đối quyết liệt hơn vì anh đã có vợ và có hai con. Cuối cùng, bố mẹ cô đã phải chịu thua con gái. 

Nhưng, vướng mắc nhất lại là từ phía người lính tàn phế. Anh vẫn yêu vợ con và không muốn có thêm một người vợ khác. Hơn nữa, gia đình cô gái lại là gia đình theo đạo. Mặc dù anh không phải là phật tử nhưng anh không muốn cải đạo, tín ngưỡng mà nhiều đời nay trong gia đình và cả dòng họ đã thờ dưỡng. 


 Rồi một ngày đầu năm 1975, khi cô gái báo cho anh biết . . . nàng đã có thai, thì, anh không còn cưỡng lại được mình nữa. Anh cũng không thể bỏ rơi cô gái mà bỏ chạy được. Hôn lễ của họ được cử hành trong nhà thờ đúng theo nghi lễ cưới xin của hai người có đạo. Ở bên người vợ trẻ anh cảm thấy rất hạnh phúc. Sự dịu dàng và đằm thắm của cô đem lại cho anh những cảm xúc mới lạ. Anh không ngờ đời một phế nhân lại được chúa ban cho nhiều đến thế. Chúa đã cho anh một người vợ xinh đẹp, mạnh mẽ và hai đứa con trai đẹp như hai thiên thần. Giờ đây, Người lại ban cho anh một người vợ khác và những đứa con khác nữa. Anh tạ ơn chúa lòng lành, Amen ! 

Ngừng bắn rồi thì vài ngày sau Đơn Vị Hai Mươi Trinh Sát lần lần tập trung về làng Quất Xá. Họ trẻ hơn chị đôi chút. Dân Bắc có khác, trắng trẻo, đẹp trai phới phới. Bộ đội thì chị cũng không lạ gì nhưng lần này họ về đông. Có bốn năm chú ở nhờ nhà chị. Hàng ngày họ vào rừng lấy gỗ, lên đồi cắt tranh rồi đưa ra cái trảng đất sau làng, sát bờ sông để làm doanh trại. Mấy hôm đầu về đây chú nào chú nấy nom gày guộc và nhem nhuốc bụi đất chiến hào. Vậy mà chỉ vài ngày sau nom họ đã có da có thịt. Ban đêm khi chị đi họp du kích về thì họ đã ngủ. Ánh đèn dầu đung đưa trên cơ thể cường tráng của những thằng con trai, lòng chị cảm thấy xốn xang. Chị nhớ anh quá. Chị thèm đêm đêm có anh ở bên cạnh. Vậy mà anh chị vẫn chia cắt đôi nơi, hai người hai ngả. Mỗi khi đêm về lòng chị cứ thót lại, . . . liệu anh có còn sống ? Có lẽ nào Trời lại bắt mẹ con chị trở thành mẹ góa con côi. Sao ngừng bắn rồi mà không cho phép hai bên gởi thư cho nhau. Giá mà chị nhận được thư anh, . . . dù chỉ một dòng thôi ! Giá mà có ai đó nhắn cho chị tin tức về anh, . . . dù chỉ một lời thôi !


Ngừng bắn rồi, không còn phải nơm nớp lo máy bay hay pháo bắn vào làng. Hàng ngày chị vẫn ra đồng làm ló và cặm khoai. Những vồng khoai Quảng Trị rất lớn, đất nâu xẫm, bở tơi. Dây khoai Quảng trị, sức sống mãnh liệt đang đâm chồi nảy ngọn. Chẳng mấy chốc đã vươn phủ kín vồng đất. Chị trạnh nghĩ, phận mình cũng như vồng khoai này, mà sao chị lại lẻ loi và cô đơn đến thế.

Dù làm gì, thì chiều đến chị lại ra ruộng khoai. Chị bấm ngọn khoai mang về nấu canh mắm ruốc. Bao giờ chị cũng hái rất nhiều để có phần cho các chú bộ đội. Đọt khoai bị ngắt ứa nhựa trắng, thấm đẫm cả tay chị. Những cây khoai bừng bừng sức sống . . .

Sau khi tắm cho hai thằng cu và nấu cơm xong thì cũng vừa lúc bữa cơm chiều của lính. Bao giờ chị cũng bưng một tô canh lớn rau lang - mắm ruốc cho đám lính. Đây là cái tiểu đội 2 của AKBangGap. Cả tiểu đội ngồi ăn cơm giữa sân, có cả hai thằng cu con nhà chị. Chị đặt tô canh xuống và bao giờ cũng chỉ buông đúng một từ: “Keeng . . . !”. Cho đến bây giờ, mỗi lần lính a2 gặp nhau thỉnh thoảng vẫn nhắc lại cái từ "Keeng" đó. Mọi người đều rất nhớ chị. 

Chị ra sông tắm thì đã muộn, Nỗi buồn lại bắt đầu ập đến. Khi chị về đến nhà để ăn cơm với cha mẹ chồng thì trời đã tối. Trong ánh vàng và nhập nhòa của đèn dầu, ba người ngồi ăn trong lặng lẽ . . . .

Xê Hai Mươi về Quất xá chẳng được bao lâu thì họ đã di chuyển cả đơn vị đi chỗ khác, chỉ còn lại kho lương thực với hai lính canh giữ. Rồi đến lượt Dê hai Bốn Quân Y cũng chuyển đi nốt. Thôn làng dường như xơ xác vắng vẻ lạ thường. Bây giờ một số ít bà con sơ tán còn lại ở Quảng Bình mới lục tục kéo về, nhưng một số bà con khác từ vùng Đông Hà ở nhờ Quất Xá trong những ngày ác liệt lại rời đi. 

Không có bộ đội, gia đình chị buồn hẳn. May mà có hai thằng cu con nghịch ngợm suốt ngày khiến ông bà phải để mắt trông chừng và ngắm nhìn chúng. Chúng là nguồn vui và là niềm an ủi cho ông bà và cho chị.

Ba năm trôi qua kể từ ngày anh đảo qua nhà trong dịp tết rồi đi biệt tăm biệt tích thì chiến tranh đã kết thúc. Hòa đình đã được vãn hồi trên mọi miền đất. Những người lính từ hai phía, lần lượt, người đã trở về, người đã mang cả gia đình ra đi vào phía nam, bộ đội giải phóng cũng đã được về phép thăm nhà. Những người lính Quốc Gia đang trong thời gian học tập thì cũng đã có thư từ liên lạc qua lại với người thân. Vậy mà sao, riêng anh, vẫn bằn bặt tin tức ?

Cả cái làng này chỉ có mình anh sung lính biệt kích rồi chuyển qua biệt động. Ba mẹ và chị không biết một ai cùng đơn vị anh để hỏi thăm. Nhiều gia đình hạnh phúc trong đoàn tụ thì ba mẹ và chị càng cảm thấy buồn và hết hy vọng. Bà con trong làng ai cũng động viên rằng :”Rồi anh ấy sẽ về” nhưng họ đều nghĩ chắc là anh đã chết ở đâu đó trong những ngày ác liệt ở Quảng Trị.

Lại nói, sau ngày 30/4, theo thông báo của Ủy Ban Quân Quản thành phố Vũng Tàu, anh đã nhanh chóng ra trình diện tại Ủy Ban phường nơi anh đang ở cùng ba má vợ và người vợ mới, con thơ. Sau đó vài tháng anh được triệu tập đi học. Bản tự khai thì anh đã làm tỉ mỉ, chi tiết khi ra trình diện, thế mà ở nơi tập trung để học tập họ còn bắt anh khai lại hai lần nữa. Chắc là họ muốn kiểm tra xem anh có khai báo chính xác không. Đành rằng học tập để cho những người lính Quốc Gia nhận ra sự tốt đẹp của chế độ mới và hiểu thấu đáo cuộc kháng chiến chống Mỹ của Dân Tộc nhưng anh vẫn chắc mẩm trong long rằng trong thời gian đó, họ sẽ điều tra về anh. Họ sẽ biết anh không phải sỹ quan, cũng không là ác ôn hay Việt gian, rồi họ sẽ thả anh sớm thôi.

Sau vài tháng thì anh được về lại gia đình thật, đúng vào dịp Tết Nguyên Đán bảy sáu. Tuy nhiên, có một điều mà anh cứ băn khoăn và day dứt mãi, không dứt khoát được để báo tin cho ba mẹ và chị ở nhà. Anh không ngờ cuộc chiến lại kết thúc chóng vánh đến như vậy. Tưởng rằng sự chia cắt lại tiếp tục dài lâu như từ thời năm năm tư đến giờ. Giá mà anh biết trước thế này thì anh đã chả lấy thêm vợ. Anh không ân hận gì về người vợ mới nhưng rất day dứt. Thật là “tiến thoái lưỡng nan”. Vốn tính ngang tàng và dứt khoát, vậy mà sao việc này mãi anh cũng không thể quyết được. Anh đã không ngờ rằng sự im lặng của anh đã làm tổn thọ cha mẹ và làm cho vợ đau khổ đến mức nào. Điều này thì mãi sau này, khi gặp lại gia đình ở Quất Xá, anh mới hiểu và ân hận.

Chị không tiếc sức làm lụng và lao vào công tác xã hội. Bây giờ chị không còn quanh quẩn ở thôn nữa mà còn tham gia công tác ở xã. Chị phải họp hành nhiều hơn, có hôm đi họp cả ngày, có hôm phải họp, tối khuya mới về. Không có xe đạp nên chị phải đi bộ mất vài cây số. Cũng may, những lần họp ban đêm đều có vài ba người cùng thôn nên cũng đỡ buồn và đỡ sợ. Cái sợ không đâu của một người đàn bà khi đi một mình trong đêm tối.

Không có tin tức gì về người con trai, nỗi buồn đè nặng lên cả gia đình ông bà. Giá mà biết chắc là anh đã tử trận như thế nào thì đã đi một nhẽ. Có thể an ủi rằng, phận anh cũng như bao người lính khác ở cả hai phía, chết oan nghiệt vì chiến tranh. Mà, trông vào hai đứa trẻ anh để lại thì nỗi đau sẽ nguôi ngoai dần. Ông bà và chị nghĩ đến anh với bao hình ảnh tưởng tượng về cái chết. Anh bị trúng đạn, chết ngay tại trận, anh bị thương trong đau đớn, bị bỏ rơi nơi trận tiền và chết vì mất máu và kiệt sức, . . . . Rồi hình ảnh anh lúc trẻ con, nghịch ngợm, đánh nhau với lũ trẻ trong làng, mặt lấm lem bùn đất, đang la hét và cười nói, . . . . Mỗi hình ảnh tưởng tượng về anh hay hình ảnh từ quá khứ hiện về đều thấm đẫm nước mắt của người mẹ và người vợ trẻ, làm thắt ruột người cha với những tiếng thở dài đêm đêm.

Ông bà buồn bã và yếu đi trông thấy. Toàn bộ công việc dường như dồn hết lên đôi vai của chị. Không thể dừng lại, không thể ngồi ôm nỗi đau mất chồng, chị lao vào làm việc như điên như dại, nhắm mắt vào mà làm như đang say trong cơn du mộng.


Nỗi buồn của chị cũng được bạn bè và các cán bộ ở xã chia sẻ và động viên. Có người ái ngại, có người thông cảm, an ủi và giúp đỡ chị trong công việc. Nhưng, cũng có người nhìn thấy chị là người đàn bà đẹp, không chồng, đang cô đơn.

Chuyện ấy xảy ra vào một đêm trăng sáng trước ngày rằm tháng tám. Tan buổi họp xã, chị tất tả bước đi trên con đường đất liên xã để mau chóng về nhà với hai đứa con. Hôm nay cùng đi với chị chỉ có một anh cán bộ xã ở cùng thôn.

- Út à ! Đi từ từ chút. Đêm nay trăng sáng đẹp quá nờ !
- Dạ ! 

Trăng đang lên, sáng vằng vặc. Hai bóng người đen xẫm đổ xuống phía trước, nghiêng trên mặt đường bàng bạc. Cánh đồng lúa đang thì con gái nghiêng ngả trong gió và tỏa mùi thơm của sữa. Phía xa xa là thôn Quất Xá, xẫm màu cây cối với những hàng tre đang đung đưa. Xa hơn nữa là mờ mờ dãy rừng rú Động Hà. Gió lùa trong tóc chị, rối bời, làm cho thỉnh thoảng chị phải đưa tay sửa lại. Hai người đi trong im lặng. Bất chợt tay xã nói:

- Tui thấy út vất vả quá, tui thương lắm !

Chị chưa kịp phản ứng gì thì đã thấy một bàn tay rắn chắc nắm chặt bàn tay chị.

- Eeng mần chi rứa ! bỏ tui ra . . . .

. . . .

Sức chống cự mãnh liệt của một người đàn bà cũng không làm sao thoát khỏi được một con mãnh thú đang cơn.

Vụ án hiếp dâm được đưa ra xét xử vài tháng sau đó tại huyện Cam Lộ. Mặc dù án được giảm nhẹ đối với người có công, tay xã vẫn phải lĩnh án ba năm tù giam. 

Anh sẽ phải ân hận và hối tiếc. Giá như anh trở về ngay sau ngày hòa bình thì ba mẹ đâu có đau yếu nhanh như vậy. Giá mà anh trở về thì chị đâu có vất vả như vậy. Giá mà có anh thì liệu có ai dám động đến chị. Là năm bảy bảy rồi mà anh vân chưa tin tức gì về nhà. Vợ anh lại sinh thêm một bé gái nữa. Anh đã bỏ mặc ba mẹ, bỏ mặc chị với hai đứa con trai mà vui thú với gia đình mới, lấn bấn không biết nên giải quyết thế nào.

Chính ba má vợ anh ở Vũng Tàu lại là người khuyên nhủ anh trở về với gia đình ở Quảng Trị. Là người có đạo, họ không thể đồng ý cho anh vợ nọ, con kia. Họ cũng không muốn vì con gái và cháu ngoại của mình mà cướp đi tấm chồng và người cha của những đứa trẻ khác. Anh thì nói với ba má vợ cho anh ở lại đến ngày đứa con gái bé cứng cáp lên một chút. Trong khi đó ba má vợ anh tìm cách thuyết phục con gái. Cô cũng là người có đạo, lại được chính cha mẹ ruột khuyên bảo lời hơn lẽ thiệt mà giới răn thứ bảy trong mười giới răn của Chúa đã dạy. Trong đó, không thể có chuyện một người đàn ông cùng lúc có hai người vợ.

Khi đứa con gái nhỏ đầy hai tuổi thì đã là bốn năm sau ngày 30 tháng tư. Cô cứ dứt khoát đòi theo anh để biết quê hương chồng và gặp mặt người vợ cả. Cô cảm thấy không yên lòng để chồng dứt áo ra đi khi mà cô chưa được đối mặt với chị. Gửi hai đứa nhỏ cho ông bà ngoại, vợ chồng anh khăn gói lên đường. 

Khỏi nói ngày đoàn tụ của anh với gia đình. Cả ba và mẹ anh đều ôm chầm lấy anh mà chửi, mà mắng mỏ:

- Cha tổ mi ! Răng mi về nhà tau mần chi ? Răng mi tệ bạc rứa ? Mi nỏ còn cha mè nữa mô mà về !
- Mi bỏ cha mè mi, giỏi thiệt đó ! Mà mi bỏ hai thằng con mi cho nó côi cút, cù bơ cù bất . . . Tau nỏ trộ ai gan tày Trời, tày Đất như mi rứa !

Bao nhiêu nước mắt rơi trong ngày trở về, mẹ anh, ba anh và cả anh nữa. Hai người vợ của anh cũng đầm đìa nước mắt. Họ lóng nga lóng ngóng đứng ngay cạnh đó mà không ai dám cử động chi hết. Chỉ có hai thằng cu là không hiểu chuyện gì. Chúng cũng không thể nhận ra anh, khi anh ra đi năm bảy hai thì chúng còn quá nhỏ.

Sau vài tiếng đồng hồ thì câu chuyện chia cắt của anh với gia đình mới dần dần sáng tỏ trong những tiếng thở dài của ba mẹ và tiếng nấc của hai người vợ.

Chợt giật mình nhớ đến phải cơm nước cho cả nhà, chị lật đật ra vườn lùa bắt gà, rồi tất tả chạy sang hàng xóm mượn xe đạp để đi chợ ngoài thị trấn.

Hai người vợ lo chuẩn bị cơm dưới bếp. Chắc hẳn là hai chị em đã chuyện trò và đã khóc với nhau nhiều lắm. Mắt của họ đều sưng húp . . . .

Được vài ngày thì anh lại lên đường để đưa người vợ hai trở về Vũng Tàu. Hai thằng cu đã quen cách gọi anh và cô. Chúng nhất loạt khoanh tay:

- Coong chào ba ! Coong chào dì !

Anh và cô trở lại Vũng Tàu. Lúc này tư tưởng cô đã hoàn toàn không còn vướng mắc gì. Vấn đề còn lại chỉ là tình cảm quyến luyến và nỗi lo lắng về con cái. Tuy nhiên, cuối cùng một lễ của nhà thờ cho phép tháo gỡ sợi dây hôn phối giữa hai người. Đây là cách vận dụng một trong ba trường hợp mà Hội Thánh có quyền gỡ bỏ hôn nhân. Trường hợp của anh và cô được xem như “cuộc hôn nhân vốn đã không thành sự ngay từ đầu, vì mắc phải một hoặc nhiều ngăn trở”. Những luật đạo vốn chặt chẽ nhưng cũng phải linh hoạt vận dụng trên mảnh đất có lắm tai ương, nghiệt ngã của chiến tranh.

Anh cũng có phần yên tâm vì hôn nhân đã được gỡ bỏ thì sau này, cô hoàn toàn có quyền lấy một người khác. Điều này hoàn toàn khác với trường hợp Hội Thánh chỉ cho phép li thân, thì, sau đó hai người li thân không được phép lấy người khác. 

Cuộc chia tay của anh với cô và các con cũng đầy nước mắt và day dứt. Hai người hứa sẽ giữ liên lạc và quan tâm đến nhau.


Mấy năm sau, ở Vũng Tàu, cô gặp được người đàn ông thương cô, thông cảm với hoàn cảnh của cô. Hai người đã làm lễ cưới. Các đứa con của hai người và con riêng của chị sống chung trong một mái nhà và được người bố dạy dỗ, chăm sóc như nhau. Một người đàn ông độ lượng và thật tốt. 

Anh trở về Quảng Trị sống cùng ba mẹ, vợ và hai thằng cu vào năm 1981. Hai năm sau, anh chị có thêm một đứa con gái.

Năm 18 tuổi, thằng cu lớn bị bênh nan y. Cả gia đình dồn hết tiền nong và chạy các bệnh viện để chữa cho con mà nó không qua khỏi.

***


Vợ chồng biệt kích

Tôi trở lại thăm Quất Xá sau 39 năm. Khi vào đến sân nhà anh chị, tôi ngơ ngác nhìn cảnh vật để cố nhận ra nếp nhà xưa. Cảnh vật đã có nhiều thay đổi. Ngôi nhà đã được làm lại, nhỏ hơn trước đôi chút. Lối đi vẫn được trổ thẳng từ phía trước vào nhưng lệch về bên phải thay vì lệch về bên trái như trước kia. Giàn trầu xanh biếc và vườn cây rợp bóng không còn được như xưa. 

Một người đàn bà mặc quần áo đen từ trong nhà bước ra đón khách. Tôi nhận ra ngay đó là chị, vẫn vóc dáng ấy, vẫn khuôn mặt ấy, vẫn nét cười ngày nào. Khi hai chị em đang chào hỏi nhau, tôi nhìn thấy một người đàn ông đang lúi húi cho gà, cho lợn ăn ở cái nhà ngang bên cạnh. Đó là anh. 

Ông bà đã mất, anh chị ở với vợ chồng cô con gái. Vợ chồng nó đi làm xa, tối mới về, ở nhà chỉ có anh chị và đứa cháu ngoại. Vợ chồng đứa con trai và các cháu nội anh chị làm ăn xa và sống ở thành phố. Suốt buổi, anh chị thay nhau kể chuyện về cái làng Quất Xá, về cuộc đời vất vả, nhiều “sự cố” của hai người. Trong lúc chờ chị cơm nước, anh lấy xe máy chở tôi ra bờ sông Cam Lộ. Bờ sông um tùm những vạt trúc đào ngày nào bây giờ xơ xác, toàn sỏi đá. Người ta khai thác cát và đổ đất đá phế thải ngồn ngang cả một quãng sông. Trúc đào xưa như một rừng cây cao gấp đôi đầu người, giờ đây chỉ còn lác đác những bụi cây non, cao ngang thắt lưng. Dân làng đã chặt hạ trúc đào để làm củi và đã nhiều lần đốt cháy các vạt cây ven sông. Anh cũng đưa tôi ra tận hạ nguồn suối La La, nơi nó đổ vào sông Cam Lộ. Tôi còn được anh chở đi một vòng, thăm cánh đồng của Quất Xá. Mọi người bỏ làng đi làm ăn xa, nên nhiều đám ruộng đã bị bỏ hoang từ lâu.

 

Đồng chí biệt kích đây

Chúng tôi đứng giữa đồng trống mà nhìn ra dòng sông và nhìn về Động Hà, nơi có điểm cao 544, căn cứ pháo binh có từ thời Mỹ năm sáu bảy. Anh chỉ tay lên đỉnh núi:

- Phu – Lơ tề !
- Vâng !@ chuyện kể của đồng chí AKbanggap trên khucquanhanh.net