Đánh giá thành tựu khoa học
Việc thống nhất một thước đo chung để đánh giá nền khoa học của các nước đôi khi là vấn đề gây tranh cãi, hoặc cố tình tranh cãi nhằm phớt lờ xu hướng tiến bộ của nhân loại.
Ở một số nước đang phát triển, để đánh giá kết quả nghiên cứu khoa học, người ta sử dụng kết quả “nghiệm thu” các đề tài khoa học mà không cần có kết quả công bố trên các diễn đàn khoa học quốc tế có uy tín, hoặc sử dụng những bài báo khoa học đăng tải trên các tạp chí cấp địa phương hoặc cấp quốc gia và nói chung không có (hoặc có ít) sự tham gia bình duyệt của các chuyên gia quốc tế.
Tuy nhiên, hầu hết các nước phát triển và một số nước đang phát triển (nhưng thực sự muốn phát triển nền khoa học của họ) thường dùng chung một số tiêu chuẩn đánh giá thành tựu khoa học của họ như số bài báo quốc tế ISI, chỉ số trích dẫn, số bằng sáng chế (chủ yếu đăng kí ở Mỹ). Ngoài những chỉ số khách quan trên, các nước này còn kiểm định năng lực khoa học của họ thông qua các hội đồng đánh giá mà thành viên là những chuyên gia độc lập và hàng đầu trên thế giới; đối với họ, hoàn toàn không có hình thức “mẹ hát con khen” hay “con hư mẹ làm ngơ”.
Kết quả số hoá về thành tựu khoa học của một nước cùng với ý kiến đánh giá của các chuyên gia độc lập và hàng đầu thế giới giúp các cơ quan hữu trách của nước này có dịp nhìn lại chính mình, để biết mình đang ở đâu trong khu vực và trên thế giới. Nếu một nước có nền khoa học quá thấp kém so với khu vực và thế giới thì đương nhiên nước này phải xem lại cơ chế, chính sách khoa học của chính mình.
Thực tế cho thấy, những cường quốc đều có nền khoa học với những chỉ số khách quan cao hơn các nước khác, và cơ chế, chính sách khoa học của họ thường thông thoáng, minh bạch và hiện đại hơn.
Nghiên cứu khoa học: Có cần công bố?
Trong bài “Khoa học và công nghệ: từ Tây sang Ðông”, tác giả đưa ra nhận định rất đáng quan tâm: “Phác thảo một đạo luật, thực thi một chính sách, đưa ra một chiến lược để triển khai sản phẩm phức tạp hơn nhiều so với việc thực hiện thí nghiệm hay xuất bản một bài báo cáo. Vì vậy, khi phê bình thành quả giáo dục, khoa học và công nghệ của một nước mà chỉ theo thói quen hàn lâm liệt kê số bài báo hàng năm đăng trên tạp chí chuyên ngành, đánh giá mức độ nổi tiếng hay tầm thường của các tạp chí bằng những chỉ số phức tạp, thì e rằng còn khập khiễng, chưa toàn diện.”
Thực tế có nhiều tạp san khoa học quốc tế nhận công bố bất cứ vấn đề gì về ứng dụng, hay thậm chí thông tin về triển khai sản phẩm công nghệ, v.v., chứ không hẳn chỉ có các tập san khoa học chuyên công bố kết quả nghiên cứu lí thuyết. Công bố bài báo khoa học trên các tập san thường là miễn phí hoặc nếu có thì cũng “không nhiều”. Tại sao chúng ta không công bố?
Một thực tế là tại hầu hết đại học trên thế giới, một nhiệm vụ quan trọng của giảng viên là phải nghiên cứu khoa học và công bố kết quả nghiên cứu trên các tạp san quốc tế. Nếu sau một thời gian không có kết quả nghiên cứu được công bố, vị trí của một giảng viên có thể bị lung lay. Như vậy, nghiên cứu khoa học đối với những người làm việc ở các đại học (trừ công việc hành chánh) là việc “sống còn”. Công bố khoa học đối với họ không hẳn là nhằm để nổi tiếng mà nó liên quan trực tiếp đến “sự tồn tại” của họ.
Ngoài ra, khi xin việc ở các đại học này, thành tích về công bố khoa học được xem là yếu tố tối cần thiết trong việc xem xét một ứng viên.
Nếu nghiên cứu khoa học nhưng không có công bố trên các tập san quốc tế thì thật sự đó có phải là nghiên cứu khoa học? Hoặc những kết quả nghiên cứu đó sẽ bị nghi ngờ nếu chỉ có “nghiệm thu, bỏ phiếu, giơ tay” hay chỉ giới thiệu trên các tạp chí địa phương không có quy trình phản biện bài bản.
Để có cái nhìn khách quan hơn về phát biểu trên, chúng tôi xin giới thiệu ý kiến của hai nhà khoa học có nhiều tâm huyết đối với tiến trình cải tổ nền khoa học ở Việt Nam, GS. Phạm Duy Hiển và GS. Nguyễn Văn Tuấn.
GS. Phạm Duy Hiển (nguyên Viện trưởng Viện hạt nhân Đà Lạt, nguyên Phó Viện trưởng Viện nguyên tử Quốc gia): “Ðương nhiên là chưa toàn diện, nhưng kiểu dật tít này e rằng sẽ rất dễ bị hiểu lầm và gây khó khăn cho những cố gắng hiện nay của nhiều người muốn lập lại trật tự trong nghiên cứu khoa học ở Việt Nam, nơi mà tiền tỷ đang đổ vào những công trình vô nghĩa vì tác giả không hề biết trên thế giới các đồng nghiệp đang làm gì, nơi mà người ta dễ dàng tung hô nhau bằng những công trình tập dượt nghiên cứu hoặc chỉ là chuyện của thế kỷ trước. Chúng tôi đã khốn khổ nhiều năm nay rồi vì chuyện này. “
GS. Nguyễn Văn Tuấn (Viện Garvan và ĐH New South Wales, Úc): “Hoàn toàn đồng ý với anh Hiển. Tôi đã từng thấy những dự án bạc tỉ ở Việt Nam mà tác giả chẳng có gì để chứng tỏ rằng dự án có thành tựu cụ thể. Họ thường viện dẫn rằng nghiên cứu khoa học ứng dụng không cần công bố! Một “lí luận” hết sức hài hước! Thế nhưng đó lại là cái biện minh cả mấy chục năm nay của những người làm nghiên cứu khoa học chưa đạt. Nếu không có một thước đo khách quan như số và chất lượng bài báo khoa học hay bằng sáng chế (patents) thì Nhà nước sẽ còn phí tiền dài dài cho những cái gọi là “nghiên cứu khoa học”.
Vấn đề là outcome – thành quả. Nhà khoa học làm cái gì cũng phải có thành quả. Thành quả phải cân đo đong đếm được, chứ không phải nói suông. Mà, thành quả thì tuỳ thuộc vào lĩnh vực hoạt động của nhà khoa học.
Đối với một người làm trong kĩ nghệ (như kĩ nghệ dược chẳng hạn) thì thành quả của họ như số bằng sáng chế và kết quả nghiên cứu biến thành thuốc hay giúp bào chế thuốc. Những thành quả đó quan trọng hơn số bài báo khoa học trên các tập san chuyên ngành. Nhưng điều đó không có nghĩa là họ không công bố thành tựu nghiên cứu; chỉ có ưu tiên khác nhau mà thôi.
Đối với người làm trong các trung tâm nghiên cứu và đại học, thì số và chất lượng bài báo là rất quan trọng cho sự nghiệp. Khi xét duyệt một nhà khoa học, đồng nghiệp sẽ nhìn vào “đầu ra khoa học” — scientific output, đóng góp cho chuyên ngành, đóng góp cho cộng đồng và chính phủ, v.v. Nhưng để có dịp đóng góp cho chuyên ngành thì người đó phải có bề dày về nghiên cứu khoa học (thể hiện qua công trình nghiên cứu), chứ nếu không có công bố gì thì người đó chẳng được ai biết đến, chẳng được ai mời, chẳng có cơ hội để đóng góp. Do đó, số và chất lượng bài báo khoa học được giới khoa học xem là currency – đơn vị sự nghiệp. Còn nếu ai làm trong các trung tâm nghiên cứu mà xem nhẹ cái đơn vị đó thì nên tìm việc làm khác thích hợp hơn.
Đó là cá nhân, còn bình diện quốc gia thì khác. Tôi nghĩ không có cơ quan nào đánh giá một nền khoa học mà ngớ ngẩn đến nổi chỉ dựa vào những chỉ số như số bài báo khoa học và chỉ số trích dẫn. Họ dựa vào những chỉ số đó cộng với nhiều thước đo khác như bằng sáng chế, sản phẩm hitech (công nghệ cao) xuất khẩu, số nhà khoa học với bằng PhD, sử dụng internet, viễn thông, v.v. Nhưng những chỉ số về scientific output (như bài báo khoa học) vẫn là chỉ số chính, bởi vì nó khách quan và dễ biết. Úc, Mĩ, Anh, Hàn, Nhật, UNESCO, v.v. tất cả đều sử dụng nó như là một thước đo thành tựu khoa học công nghệ. Kinh nghiệm tôi cho thấy những chỉ số scientific output còn là một marker. Nó là marker về trình độ của một nền khoa học công nghệ. Marker ở đây hiểu theo nghĩa nó có tương quan cao với những thước đo như vừa kể. Chỉ cần biết số lượng và chất lượng bài báo khoa học cộng với patents của một nước là có thể hình thành một đánh giá tổng quan nền khoa học nước đó.
Nền khoa học của một nước được hình thành từ những cá nhân. Không có nhà khoa học thì nước đó không có nền khoa học. Nhưng nhà khoa học phải tương tác với cộng đồng trong việc làm của họ. Do đó, những thước đo cá nhân nhà khoa học cũng có thể ứng dụng để đánh giá một nền khoa học, cộng với những đóng góp của họ cho cộng đồng khoa học nói chung và đất nước nói riêng.”
Chúng tôi xin chân thành cảm ơn GS. Phạm Duy Hiển và GS. Nguyễn Văn Tuấn về những ý kiến thú vị, khoa học và bổ ích; đặc biệt là sự cho phép chúng tôi trích dẫn những ý kiến này. Chúng tôi cũng xin cảm ơn TS. Trần Lê Nam (ĐH Oulu, Phần Lan) về những trao đổi hữu ích.
Nguồn: Blog Tiến Sĩ Lê Văn Út
xin việc trong lĩnh vực khoa học