.

Ruồi Trâu Blog

Lễ chùa ở Đài Loan

Lời bàn: Đài Loan (Taiwan) vốn được coi như là phần còn lại của một nước Trung Quốc thời Lỗ Tấn.  Những sản vật truyền thống, cùng với nếp sống vừa hiện đại vừa truyền thống tạo nên một xã hội cân bằng giữa biến đổi không ngừng của thời cuộc. Bài viết sau mang đến một góc nhìn khác lạ dưới con mắt của một du khách khi tới thăm Taiwan

"Phật chỉ có một, nhưng sự lễ Phật thì không như vậy."
Người Đài Loan sùng Phật, điều đó chúng khẩu đã đồng từ. Ảnh hưởng sâu đậm của Phật giáo tới đời sống người Đài Loan có thể nhận thấy một cách sinh động ở sự hiện hữu của các quán ăn chay tại khắp mọi nơi. Tỷ lệ người ăn chay ở đây rất cao (thấy thế nhưng chưa tìm được con số thống kê cụ thể). Công nghệ chế tạo đồ ăn chay của Đài Loan đứng hàng đầu thế giới. Số người đi lễ chùa và tham gia các hoạt động tôn giáo đương nhiên là rất nhiều.

Long Sơn là một ngôi chùa lớn và nổi tiếng ở Đài Bắc. Bản nhân có cơ duyên được lui tới chùa này nhiều lần, tại hầu hết các chuyến đi sang Đài Bắc. Xin có vài lời bình luận và mấy tấm hình để mọi người tham khảo về cách quản lý và đời sống văn hóa, tín ngưỡng, tâm linh của người Đài, để cùng chiêm nghiệm.


Photobucket
Cổng chùa Long Sơn, Đài Bắc
Một ngày bình thường, không phải rằm hay mồng một, nhưng người đi lễ ở đây rất đông. Khói hương nghi ngút, người ta cắm hương ở ngoài trời mà không cắm hương ở trong nội điện. Người lễ cầm hương vái khắp nơi, lầm rầm những điều chỉ có họ và Thần Phật biết. Họ hướng lên không trung mà lễ chứ không chỉ hướng vào phía những pho tượng tôn nghiêm. Hương đốt được phát không cho người lễ và phát với số lượng vừa đủ, không gây ra cảnh khói quá lớn.
Photobucket



Đồ lễ Phật cần qua công đoạn tẩy rửa sạch sẽ trước khi bày lên đĩa. Chùa có khu riêng để thỏa mãn nhu cầu này của người lễ. 

Photobucket
Nơi rửa quả, có dòng chữ nhắc nhở "Xin hãy tiết kiệm nước"


Đồ lễ của người Đài nhìn chung giản dị, chay tịnh, một đĩa hoa, chút quả, bánh trái, không có cảnh đưa lên bàn thờ mọi thứ có thể ăn được, uống được và mua được ngoài chợ. 

Photobucket

Photobucket

Người ta hay dùng những lẵng hoa nhỏ để cúng Phật. Trên lẵng hoa cài những tấm thiếp, ghi tên người cúng lễ và điều mà họ cầu cúng. Đây chính là hình thức viết sớ thời hiện đại, đẹp, lịch sự và tiên tiến. 

Photobucket

Photobucket

Số lễ vật được bày cúng rất nhiều, ban thờ trong nội điện không thể đủ chỗ để bày. Lễ vật được bày ra những dãy bàn rất lớn ngoài sân. Đặt đồ lễ lên các bàn đó là được, không cần chen nhau bẹp ruột để đặt đồ lễ vào trong nhà. Phật nhìn thấu mọi lòng thành. 

Photobucket



Nếu nhìn vào lễ cúng Phật, người ta dễ lầm tưởng người Đài nghèo khổ. Người đến lễ không trọng đồ lễ to, mà trọng ở việc tụng kinh. Xung quanh bảo điện có vô số ghế và chỗ đặt sách để người tới lễ có thể tụng kinh được. Nhiều người vừa lần tràng hạt vừa nhìn như thôi miên vào một chai nước trong để cầu khấn (bản nhân chưa hiểu hết lý do và ý nghĩa).



Photobucket

Photobucket

Photobucket

Người đi lễ cũng thích coi thẻ, xem quẻ để đoán vận. Những đồng âm dương là những mảnh gỗ, tựa như hai miếng hạt điều phóng to, sơn đỏ. 
Photobucket



Người lễ sẽ lấy hai mảnh gỗ này, ấp vào lòng bàn tay để truyền tinh thần và điều thỉnh nguyện của mình vào đó, rồi tung xuống đất. Nếu sấp ngửa là đã được thần Phật đồng ý và có thể rút lấy một thẻ tre. Ống đựng thẻ cao tới ngang người. Mỗi thẻ tre dài khoảng 80 cm. 

Photobucket

Photobucket

Không thấy người ta bày tiền phơi phới khắp nơi hay dắt tiền lên tay tượng, mình tượng. Nghe nói người ta công đức tiền chủ yếu thông qua chuyển khoản. Cũng không thấy nhạc cúng xập xình. Không có chuyện lấy nhầm đồ lễ của nhau một cách cố ý. Người đi lễ đông, nhưng không chen lấn nhau. Người già yếu cũng có thể tới đây lễ không sợ chết bẹp do chen lấn hay cướp giật, trộm cắp, chặt chém, môi giới lễ bái.

Phật chỉ có một, nhưng sự lễ Phật thì không như vậy.
Nguồn: Blog Nguyễn Kim Sơn