Ngàn xưa, người ta đã hiểu, “thượng bất chính hạ tắc loạn”. Ngày nay, các bậc phụ mẫu của dân hay ngạc nhiên khi con cái và thần dân của mình ích kỷ, lười biếng, tham lam và lừa lọc nhiều quá. Có lẽ suốt ngày họ rao giảng, truyền đạo liên miên nên không có thì giờ nhìn lại “hành động” của mình?
Chị Kim Yến của báo Saigon Tiếp Thị nhờ tôi viết một bài về “Người Cha Lý Tưởng” nhân ngày Fathers’ Day của Mỹ.
Tôi công nhận là tôi có 2 khả năng và kinh nghiệm hơn nhiều người: một là kiếm tiền và mất tiền một cách lương thiện và hai là chém gió giúp vui cho đời qua các bài viết trên blog khi không ngủ được. Tôi không hiểu tại sao các mạng truyền thông lại muốn nghe tôi nói về những đề tài mà tôi rất dở và thua nhiều hơn thắng: về mẫu người tình lý tưởng, về người chồng hay vợ lý tưởng, về người cha hay con lý tưởng, về người thầy hay trò lý tưởng…
Trước hết xin nói rõ 2 điều: tôi không phải là một chuyên gia về đề tài này và tôi không nghĩ cá nhân tôi là một người cha lý tưởng. Thực ra, “lý tưởng” thời nay rất gần với ảo tưởng. Với những đòi hỏi hàng ngày của cơm áo gạo tiền, rồi áp lực về công việc từ mọi phía, cộng them một môi trường rất bất ổn cho liên hệ gia đình, sức khỏe và tương lai, khi một người cha bỏ thì giờ để suy nghĩ về “vai trò lý tưởng” của mình, đây cũng đã là một hành xử xa xỉ.
Tôi vẫn nói một con người lý tưởng phải hội đủ 6 khía cạnh: sức khỏe, tinh thần, trí tuệ, tâm linh, xã hội và tài chánh. Tôi cũng nói là khi mỗi con người trong chúng ta đạt được tiến bộ mỗi ngày trong cả 6 lĩnh vực so với ngày hôm trước thì chúng ta đã có một ngày thành công. Nhiều ngày thành nhiều tháng, rồi nhiều năm…và trở thành một thói quen. Thói quen tiến bộ cấu trúc nên cá tính của một con người; và qua góc nhìn của tôi, đây là một người thành công.
Một con người thành công là nền tảng của một người cha, người chồng, người con hay một người mẹ, người vợ, người tình thành công.
Trên cả sự thành công là một tình yêu đúng nghĩa giữa các con người: một tình yêu cho đi mà không đòi hoàn trả, hay mong ước. Tình yêu giữa cha con phải vượt qua những đòi hỏi về tài sản, về quyền lực, về sĩ diện, ngay cả về trí tuệ. Nó phải thăng hoa thành một tình bạn cao quý, chân thật, cởi mở và tương kính. Khi con còn nhỏ, thì cha bảo vệ và giáo dục cho con. Khi cha già, thì con giúp đỡ và săn sóc cha. Khi con ra tranh đấu với đời, cha ngồi xuống kể cho con nghe những trải nghiệm, sai lầm, tư duy…để con làm hành lý và cùng con thảo luận những lựa chọn cho hành trình.
Giữa hai người bạn, không có phán đoán, chỉ trích, chê bai…mà chỉ có khuyến khích, nâng đỡ và chia sẻ. Đường đời thường nhiều gian truân, cha con không cần phải tạo nên thêm những gánh nặng, từ vật chất đến tinh thần, cho nhau; mà phải cố gắng làm một người bạn đời tốt nhất của nhau.
Và dĩ nhiên, khi con còn nhỏ hay bất cứ khi nào con cần, người cha phải đóng vai trò một nhà giáo. Theo tôi, người thầy hay giỏi nhất là người biết đưa ra một tấm gương cho đứa học trò qua các hành xử của cá nhân mình. Ngay từ bé, các em thường rất bén nhậy về những cảm nhận. Chúng sẽ bắt chước thật tự nhiên và trung thực những tấm gương sống qua cuộc đời của những người mà chúng cho là “đáng kính và đáng theo”. Do đó, con một ông giáo thường đam mê học hỏi; con một trọc phú thường biết làm ăn bằng nhiều cửa sau; con một anh du đãng cướp đường thường nối chí cha làm “sáu búa” hay “năm dao”.
Những lời giáo huấn và những khẩu hiệu hoành tráng thường không chút ảnh hưởng gì đến tư duy đứa bé. Tấm gương là tất cả.
Ngàn xưa, người ta đã hiểu, “thượng bất chính hạ tắc loạn”. Ngày nay, các bậc phụ mẫu của dân hay ngạc nhiên khi con cái và thần dân của mình ích kỷ, lười biếng, tham lam và lừa lọc nhiều quá. Có lẽ suốt ngày họ rao giảng, truyền đạo liên miên nên không có thì giờ nhìn lại “hành động” của mình?
T/S Alan Phan
22/6/2012
Lời bàn: trước những vấn đề rối rắm, tiến sĩ Alan Phan luôn đưa ra những "gạch đầu dòng" cô đọng và dễ hiểu!!!!