.

Ruồi Trâu Blog

Phỏng vấn kiểu ... Úc


Lời tựa:  Tiến sĩ Nguyễn Văn Tuấn luôn mang lại những bài viết sâu sắc về những vấn đề liên quan tới nghiên cứu khoa học. Qúa trình nghiên cứu bao gôm rất nhiều bước từ việc Tìm nguồn học bổng (Fund) rồi Xin Việc trong lĩnh vực khoa học; cho tới việc Công bố các bài báo  Bài viết này giúp chúng ta hiểu hơn về cách người Úc chọn lọc ra Fellow trong cộng đồng khoa học của mình. Chân thành cảm ơn tiến sĩ Tuấn
Hôm qua trang web lại bị tấn công và phải đóng cửa; hôm nay thì sống lại rồi, và có chuyện để chia sẻ. Thế là cuộc phỏng vấn quan trọng đã xong. Bây giờ thì mình có thể quay lại với công việc, chứ không bận tâm suốt ngày để đối phó với những câu hỏi hoặc vấn đề mà có khi mình không đoán trước hết được. Mỗi lần trải qua một cuộc phỏng vấn là mỗi lần có thêm kinh nghiệm để chia sẻ. Kinh nghiệm về phỏng vấn kiểu Úc.


 Tôi đến phi trường Canberra lúc 11 giờ sáng, đi taxi về đến trụ sở của NHMRC đúng 11:30. Lên lầu 1 “trình diện” và phải kí tên vào một mảnh giấy, trong đó ghi rõ những điều lệ về an toàn trong building. Đi đâu cũng phải cầm theo cái thẻ điện tử; không có thẻ này sẽ không đi đâu được và chẳng mở được phòng nào trong building. Chẳng hiểu sao tình hình an toàn ở đây có vẻ rất ư là nghiêm ngặt. Nhưng rừng nào cọp nấy, tốt nhất là chấp hành theo qui định của người ta.
Người ta cho tôi biết lần này có 3 ban phỏng vấn (gọi là interview panel). Ban A duyệt những ứng viên trong ngành sinh hóa và sinh học cơ bản; Ban B duyệt các ứng viên trong ngành sinh lí, dược, nội tiết, di truyền học; và Ban C phụ trách các ứng viên liên quan đến y tế công cộng và dịch tễ học. Mỗi ban có 8 người phỏng vấn và một thư kí. Tám người này đuợc tuyển chọn từ các viện và đại học trên tòan nước Úc. Họ cũng như các ứng viên, tức là cũng làm khoa học, hay cũng là fellow hoặc có chức vụ cao cấp trong hệ thống khoa bảng, chứ không phải “thần thánh” gì. Tuy nhiên, tôi nghe nói bên Ban A có một ông từng chiếm giải Nobel ngồi trong đó. Tôi được Ban B phỏng vấn. Ban B gồm có 2 người chuyên về nội tiết, 2 người bên ngành dược học, 3 sinh lí học, và một người về di truyền học. Ban B không/chưa có ai chiếm giải Nobel, nhưng có một ông là Australia Fellow, tức ngấp nghé giải Nobel. Họ có một ông chủ toạ từ Đại học Melbourne, và 2 người phát ngôn (spokepersons, một nam và một nữ).
Chờ
Lần này cuộc phỏng vấn được tổ chức có vẻ qui củ và hay hơn mấy lần trước. Người phụ trách hành chính cho toàn bộ cuộc phỏng vấn là một phụ nữ trung niên, rất vui vẻ, bà nói cho mỗi ứng viên biết những việc được và không được làm ở đây. Được làm là sử dụng máy tính, internet, phone (trong nước), ăn uống, v.v. Không được chụp hình và quay phim, không được đến gần phòng phỏng vấn, không được nói lớn tiếng, v.v. Thật ra, những qui định này có vẻ thừa, bởi những người đến đây phỏng vấn đều là những người đã “trưởng thành” và có vị trí nhất định và quan trọng trong hệ thống khoa bảng của Úc, nên họ biết hành xử ra sao. Tuy nhiên, qui định là qui định, và người ta vẫn phải nói ra như là một cách minh bạch hoá và sòng phẳng.
Khu vực dành cho các fellow chờ đợi khá rộng, có thể chứa đến 20 người. Trong phòng có đủ thứ thức uống, thức ăn trưa, internet (nhưng chẳng ai dùng, vì ai cũng có laptop riêng), báo chí, sách vở, v.v. Nói chung là rất thoải mái. Chúng tôi ngồi trong phòng chờ đợi để đến lượt mình được kêu vào phỏng vấn. Vì họ mua vé máy bay cho tôi đến sớm, và mãi đến 5 pm tôi mới được phỏng vấn (mỗi ngày, hội đồng phỏng vấn các ứng viên từ 9 am đến 7 pm), nên tôi có dịp quan sát tình hình cũng khá dài.
Nhưng chẳng lẽ chờ hoài trong phòng thì cũng chán, nên tôi cuốc bộ ra ngoài tìm nhà hàng ăn trưa. Có đi một vòng khu này mới thấy Canberra là một thành phố buồn chán. Đi một vòng mà không tìm ra một nhà hàng nào xem được hay có món ăn vừa phải. Đến nhà hàng loại up-market thì đắt quá, không xứng đáng để tiêu tiền; đến quán ăn thì có vẻ quá đơn giản, không có món mình vừa ý. Cuối cùng, đành phải ngậm đắng nuốt cay để làm một ổ bánh mì Subway. Chán ơi là chán. Nhưng mình chỉ ở đây có vài giờ, nên cũng chẳng mấy quan tâm. Không biết nếu nói ra thì người Canberra có buồn không, nhưng dân các tiểu bang khác gọi Canberra là thành phố của ăn bám. Sở dĩ họ nói như thế là vì đây là thành phố mà phần lớn cư dân là công chức của Chính phủ, mà công chức thì hưởng lương của người dân đóng thuế, nên mang tiếng là … ăn bám. :-) Nói thế thôi, chứ tôi thấy công chức ở đây rất dễ mến, họ sẵn sàng giúp đỡ [và giúp đỡ hết mình] bất cứ ai cần mà không bao giờ không bao giờ không bao giờ đòi hỏi chung chi như kiểu ở Việt Nam. Nếu công chức ở đây mà bị mang tiếng là ăn bám, thì không biết công chức ở Việt Nam được gọi là gì?
Quay về phòng chờ. Nhìn chung quanh thấy ai cũng tập trung vào những tài liệu chuẩn bị cho phỏng vấn, nên ít ai nói chuyện với nhau. Mỗi ứng viên đều có một bản gọi là “Updated CV”, cập nhật hóa những công trình mới công bố hay những tiến triển kể từ khi đệ đơn từ 4 tháng trước. Bản cập nhật hóa lí lịch chỉ có 2 trang. Nhưng ứng viên nào cũng có cả xấp tài liệu để ứng phó. Danh sách tất cả những bài báo, tất cả những phân tích bibliometrics (nào là citation, H index, g index, m index, v.v.), tất cả những bằng sáng chế, danh sách nghiên cứu sinh, v.v. Có người còn chuẩn bị cả đĩa DVD về những lần họ xuất hiện trên đài truyền hình (để chứng minh là họ có “đóng góp cho cộng đồng”!) Tôi cũng chẳng hay ho gì hơn họ, nhưng có vài kinh nghiệm trước đây, nên tôi cũng sẵn sàng với tất cả những chứng từ. Nói chung, ai cũng rất sẵn sàng cho “cuộc chiến”.
Cũng có những người mới xin fellowship nên còn lúng túng. Ngồi bên cạnh tôi là một anh chàng cao to, râu ria bặm trợn, có tên là Boris gì đó, nói tiếng Anh hơi khó nghe. Nói một hồi tôi mới biết anh ta là phó giáo sư ở bên Viện Victor Chang, tức là láng giềng tôi. Anh này là cardiologist, nhưng trước đây anh ta còn có bằng biophysics; anh ta nghiên cứu để làm tim nhân tạo hay gì đó nhân tạo. Nghe anh ta kể chuyện rất hào hứng và tin tưởng vào việc anh ta làm. Anh ta mới vào “câu lạc bộ” nên còn rất bỡ ngỡ. Thế là tôi có dịp chỉ cho anh ta vài “chiêu” khi phỏng vấn. Anh ta cám ơn rối rít, và nói nếu anh ta thành công, thì tôi là ân nhân số 1 của anh ấy. Hm, hôm nay tỉ số thiền của tôi tăng đột ngột rồi đây. Nghĩ một hồi, anh ta nói cái kiểu phỏng vấn này chắc là chỉ có ở Úc, chứ nơi khác đâu có ai mà thẳng thừng và “ác ôn” như thế. Tôi gật gù đồng ý. Ở Mĩ không có kiểu phỏng vấn mà trong đó người phỏng vấn hỏi những câu có thể nói là có khi trẻ con và mất lịch sự. Nhưng ông bà mình vẫn hay nói rừng nào cọp nấy; mình đang ở rừng Úc nên phải tuân thủ theo luật của cọp Úc thôi.
Qui trình mời ứng viên vào phòng phỏng vấn cũng … khá buồn cười, và làm tôi liên tưởng đến chuyện khác. Chủ tọa buổi phỏng vấn đến mời từng ứng viên. Họ mở cửa phòng, nhìn quanh, rồi nói: Could I please invite Professor Smith … Ông nào tên Smith thì đứng dậy và theo chủ tọa vào phòng mà chúng tôi đặt tên là Grill Room (phòng nướng). Điều khá vui là cứ mỗi lần một người được kêu (mời) đi phỏng vấn, thì người đó biến mất sau lần được mời, chứ không quay lại phòng chờ. Nhìn cảnh đi “làm việc” theo kiểu một đi không trở lại làm tôi liên tưởng như được lên đoạn đầu đài. :-) Tôi cũng nghe những kiểu “làm việc” mà người được mời khó có cơ hội quay về nhà. Chỉ là nghĩ miên man, chứ trong thực tế thì sau khi phỏng vấn xong, ứng viên đón taxi ra phi trường về bang của mình.
Vào đề
Chờ mãi thì cũng đến lượt tôi được mời vào cái Grill Room. Phòng có bề ngang khoảng 5 mét, bề dài 10 mét, và có một cái bàn hình chữ nhật. Đầu bàn là ông chủ tọa, cỡ tuổi tôi. Đối diện ghế chủ toạ ở phía bên này bàn là ghế của tôi. Khi mới vào tôi hỏi đùa ghế này là của tao hả? Chắc dễ cho tụi bây nhìn phải không? Ai cũng cười.  Vậy là tốt, phải pha trò một chút để giảm căng thẳng. Bên trái tôi bàn có 4 người, bên phải cũng có 3 thành viên phỏng vấn và một người gọi là witness (làm chứng). Ngồi góc phòng là một thư kí thu âm những trao đổi trong cuộc phỏng vấn. Phía bên phải của tôi là một cái bàn nhỏ, gồm nước, cà phê, trà, và trái cây. Họ hỏi tôi có uống gì không, nhưng tôi nói uống ngoài kia rồi nên không. Thật ra, tôi thấy bàn này hơi thừa, vì thấy bàn còn y nguyên, có ai đã vào đến đây mà còn ăn với uống!
Mới bước vào phòng, tôi hơi ngạc nhiên về sự tiến bộ và “mạng hóa” như thế nào. Trên màn ảnh treo ở tường là hình của tôi và những thông tin về tên họ, chức danh, nơi làm việc, và ứng cử cho bậc fellowship nào. (Mấy năm trước không có cái màn này). Tất cả các thành viên đều có truy cập internet, và họ có thể chiếu ngay trên màn ảnh để bàn luận. Mở đầu, ông chủ toạ tuyên bố lí do, và làm thủ tục hành chính, xác minh vài chi tiết cá nhân trên màn ảnh là đúng. Sau đó, ông chủ toạ giới thiệu tên tuổi của các thành viên trong buổi phỏng vấn. Giới thiệu thế thôi, chứ tôi đã biết họ cả rồi, vì trong khi chờ đợi ngoài kia, tôi đã lên mạng tìm hiểu và cũng biết kha khá về thành tích khoa học của họ cỡ nào. Tôi thậm chí còn có một bản lí lịch trích ngang của họ, như chức danh gì, từng công bố trên những tập san nào, citation ra sao, v.v. Nhìn qua những tập san họ công bố mình cũng biết đẳng cấp của họ ở bậc nào (dĩ nhiên là không phải hạng trung bình!) Và, đã biết về họ nên tôi hoàn toàn tự tin và chuẩn bị sẵn sàng những câu “đáp trả” nếu họ tỏ ra trịch thượng với tôi (nhưng trong thực tế thì chưa cần đến những câu axít này :-)). Không hiểu sao tôi lại cẩn thận thế. Có lẽ một phần vì mặc cảm là dân Á châu chăng? Thật ra, trong kì phỏng vấn này chỉ có 2 người Á châu: tôi và một anh chàng mà thấy tên thì có vẻ China. Cũng có thể tôi phòng ngừa nếu họ kì thị ngầm, nên mới sẵn sàng cái màn ra tay chăng? Nói tóm lại, tôi không biết, nhưng lần nào đi phỏng vấn tôi cũng đều rất sẵn sàng cho cái màn đấu chữ nghĩa axít này.
Ông chủ tọa nói thêm về qui định của cuộc phỏng vấn, như tôi có quyền gì và không có quyền gì; họ có quyền nào và không có quyền nào. Chẳng hạn như tôi có quyền không đồng ý với họ, nhưng không có quyền chất vấn hay mỉa mai họ. Họ có quyền cắt ngang trả lời của tôi, nếu tôi lải nhải dài dòng (chỉ là ví dụ), nhưng họ không có quyền hỏi những câu mang tính xúc phạm cá nhân (nhưng không thấy họ định nghĩa thế nào là xúc phạm cá nhân).
Thảo luận
Sau phần tuyên bố, là đến phần phỏng vấn. Mở đầu, tôi có 2 phút để nói về viễn kiến (vision) của mình trong 5 năm tới là gì, và ý nghĩa của những dự tính tương lai đó. Họ nói rõ họ không muốn nghe những thành tựu trong quá khứ (vì đã đọc trong đề cương rồi), nhưng rất quan tâm đến tương lai. Họ đã có trong tay đề cương của ứng viên, và tất cả các thông tin liên quan đến ứng viên. Họ cũng có báo cáo của các chuyên gia bình duyệt. Vì thế vấn đề là tương lai sẽ làm gì, chứ quá khứ thì đã qua chẳng có gì để nói, nhất là với các fellow cũ.
Sau khi tôi nói xong về viễn kiến của mình một cách exciting (phải như thế!) thì đến phần chất vấn. Ông chủ tọa mở màn với một sự … phàn nàn! Ông phàn nàn rằng danh sách bài báo của tôi trong hệ thống RGMS là không đầy đủ, và điều này có thể gây khó khăn cho việc đánh giá. Cần nói thêm rằng mấy năm gần đây Úc ứng dụng tin học trong quản lí các đề cương nghiên cứu và nhân sự. Hệ thống này có tên là Research Grant Management System (RGMS), mà mỗi một nhà nghiên cứu Úc đều có tài khoản trong đó. Tài khoản bao gồm lí lịch của ứng viên, toàn bộ những tài trợ nhận được từ trước đến nay, danh sách bài báo khoa học, v.v. RGMS có thể nối kết một cách trực tiếp đến các trường đại học Úc, và có thể biết chính xác tiến độ của các ứng viên như thế nào. Với RGMS, không nhà khoa học nào có thể "khai gian" để xin thêm tiền được, vì chỉ cần vài nhấp chuột là biết ngay nhà khoa học đang được tài trợ bao nhiêu.  RGMS còn nối kết thẳng với Endnote và ISI, nên có thể kiểm tra ấn phẩm khoa học của ứng viên một cách dễ dàng. RGMS là hệ thống hay, nhưng khi mới áp dụng nó là một nỗi ám ảnh kinh hoàng của giới khoa học, nhất là người cao tuổi chưa quen với mạng và máy tính. Tôi không đến nổi tệ về máy tính, nhưng vì không có thì giờ nên cũng gian nan với RGMS. Nhưng mới vào phỏng vấn mà bị phàn nàn thì quả là … không khá.
Ông ta gõ trên máy tính, và website ISI hiện ra 176 original articles của tôi với điạ chỉ Garvan trên màn ảnh. Ông ta quay sang danh sách trong RGMS chỉ có 155! Tôi hơi choáng váng, và nghĩ thầm mới vào đầu mà bị “tấn công” kiểu này thì mệt thật (vạn sự khởi đầu nan, mà khởi đầu như thế này thì chắc là không khá). Cảm thấy như mình sắp thất bại. Nhưng tôi tự hỏi ý ông ta là gì? Ông ta nghi ngờ tôi dấu những bài “xấu” chăng? Nhưng tôi chợt nhớ ông ấy nói là “không đầy đủ”, tức là tôi còn một số bài chưa liệt kê, như vậy đây là dịp để mình nói thêm. Nghĩ thế, tôi đầu tiên nhận lỗi là có sai sót trong RGMS (vì lần đầu tiên sử dụng, nên lúng túng); sau đó, tôi nói cám ơn ông và hứa sẽ cập nhật hóa, nhưng không quên nhắc là với kết quả mới tôi có H index mới là 50 chứ không phải 46 nữa đâu nhé :-). Nhưng ông ta không cho tôi nói tiếp, ông ta khoát tay nói: thôi chúng ta sẽ còn chuyện khác quan trọng hơn.
Người đầu tiên chất vấn là ông phát ngôn viên (ông này là giáo sư về di truyền ở Đại học Monash). Ông nói rằng có một chuyên gia bình duyệt những viễn kiến của tôi, và vị này không chia sẻ quan điểm của tôi về vai trò của gene trong tiên lượng loãng xương. Để tôi nghỉ 5 giây, ông hỏi tôi “ông nghĩ sao về nhận xét này”. Cần nói thêm là trước khi được mời phỏng vấn thì đề cương và lí lịch khoa học cá nhân đã được gửi cho 3 chuyên gia, trong đó có 1 người nước ngoài, bình duyệt. Ý kiến các chuyên gia này rất quan trọng vì họ là đồng nghiệp và có thẩm quyền chuyên môn. Chính qua ý kiến của họ mà hội đồng quyết định có mời ứng viên đi phỏng vấn hay không. Qua được 3 chuyên gia này (mà ứng viên không biết tên và cũng không có quyền đọc bình duyệt của họ) là coi như qua được 50%. Buổi phỏng vấn này sẽ quyết định 50% còn lại. Có khi ban phỏng vấn mượn những bình duyệt của chuyên gia để "tấn công" ứng viên. Câu hỏi hơi khó, nhưng tôi nghĩ họ muốn mình trình bày cho rõ hơn, nên tôi cũng nhân cơ hội nói khoảng 2 phút về những quan điểm hiện hành và quan điểm của tôi. Thật ra, mới hôm thứ Sáu họp lab tôi có nói về đề tài này, nên ở đây tôi thấy thoải mái để giải trình cho họ nghe. Êm xuôi.
Tiếp theo đó là hàng loạt câu hỏi từ các thành viên. Có câu hỏi dễ trả lời, nhưng cũng có câu mang tính thách thức. Chẳng hạn như bà phát ngôn viên hỏi “Trong những công trình ông liệt kê là quan trọng trong 5 năm qua, ông toàn đứng tên tác giả cuối. Vậy có phải ông chỉ là người điều hành mà không có đóng góp khoa học?” Câu này thì không có vấn đề gì, vì họ đều là những người biết “luật chơi”, nhưng muốn đặt ra để xem phản ứng của tôi ra sao. Tiếp theo là câu hỏi về vai trò leader của tôi trong nhóm nghiên cứu; họ muốn biết thật sự tôi là người điều hành hay là ai khác. Đây là câu hỏi luôn được đặt ra cho bất cứ ứng viên nào, vì thế nên tôi chuẩn bị bằng chứng đàng hoàng để trả lời. Buồn cười nhất là câu hỏi thế ông có thiết kế những phương pháp thu thập dữ liệu hay là soạn bài báo không.Câu hỏi có phần ấu trĩ. Nghĩ thế nên tôi mỉm cười trả lời rằng tôi là người dạy người khác làm, chứ ở vị trí này tôi không tự tay mình làm nữa. Không thấy bà ấy phản ứng gì cả.
Một người khác thì hỏi “Tại sao số nghiên cứu sinh tiến sĩ tốt nghiệp giảm trong 3 năm qua?” Đây là một câu hỏi hơi ngu ngốc và rẻ tiền. Ngu ngốc là vì làm gì có chuyện giảm hay tăng; vấn đề là con số nhận vào bao nhiêu và sau 4 năm thì ra bao nhiêu. Đâu có ai phải chờ đến 6 năm để ra trường. Nghĩ thế thôi, nhưng mình cũng phải lịch sự trả lời cho êm xuôi.
Có một câu hỏi về chính sách khoa học và có một câu liên quan đến Việt Nam. Một thành viên trong ban phỏng vấn thoạt đầu nói vài lời tốt về tôi, nhưng ngay sau đó hỏi một câu mang tính big picture: “Vậy ông có đóng góp gì cho chính sách khoa học của Úc”. Câu này thì không khó vì ai muốn trả lời sao cũng được, còn tôi thì đã có nhiều ý tưởng về chuyện này nên có thể nói cả giờ. Tiếp theo đó là bà phát ngôn viên (bà này nói nhiều nhất) hỏi: Tôi thấy ông có vài hợp tác với các đồng nghiệp Việt Nam. Theo ông, những hợp tác đó đem lợi ích gì cho Úc? Lần trước, tôi dễ nổi nóng với câu hỏi này và đã có phản ứng gay gắt, ngay lúc đó tôi định phản ứng là câu hỏi này mang tính hỗn hào, nhưng tôi đã có kinh nghiệm nên rất bình thản và trả lời một cách bài bản.
Một đặc điểm gần như là nguyên tắc là các thành viên trong ban phỏng vấn không bày tỏ thái độ hay phản ứng gì cả. Họ chỉ nhìn ứng viên trả lời, và hoàn toàn không tỏ thái độ ủng hộ, khen tặng, hay phản đối. Họ không lạnh lùng, nhưng không nói gì cả. Họ hỏi, ứng viên trả lời. Trong suốt cuộc phỏng vấn, họ không cho ứng viên nói về thế mạnh hay ưu điểm; họ chỉ chú tâm tìm ra những điểm yếu của ứng viên. Sau này, khi có dịp hỏi các ứng viên khác, ai cũng nói kinh nghiệm như thế. Phỏng vấn là sàng lọc, cho nên không có chuyện khoa trương ở đây, chỉ có chuyện họ tấn công và ứng viên thì … phòng thủ.
Đến phút thứ 35, họ cho tôi được nói lời cuối cùng trước khi kết thúc buổi phỏng vấn. Tiếng Anh gọi là parting shot. Vì có chuẩn bị kĩ, nên tôi có dịp “tuyên truyền” về những dự tính và viễn kiến của mình. Sau đó, ông chủ tọa đến bắt tay và dẫn ra khỏi phòng, rồi nói lời good bye. Không nghe ông ta nói good luck. :-)
Tiêu chuẩn
Theo tôi hiểu, sau khi tôi rời phòng, ban phỏng vấn sẽ ngồi lại cho điểm. Về cách cho điểm, hội đồng xét tuyển dựa vào 3 tiêu chuẩn chính: viễn kiến, thành tựu nghiên cứu, và đào tạo. Viễn kiến ở đây là dự án và tầm nhìn trong 5 năm tới, và phải chứng minh được ứng viên là người lãnh đạo một mảng tri thức nào đó trên trường quốc tế, và có đóng góp đáng kể cho chuyên môn. Chất lượng nghiên cứu bao gồm các ấn phẩm khoa học, bằng sáng chế, số tiền xin tài trợ, và danh tiếng trên trường quốc tế. Đào tạo chủ yếu liên quan đến hướng dẫn nghiên cứu sinh tiến sĩ, hậu tiến sĩ, và những thành công của nghiên cứu sinh. Trong 3 tiêu chuẩn này, chất lượng nghiên cứu có trọng số cao nhất (60%), tức được xem là tiêu chuẩn quan trọng nhất); viễn kiến có trọng số 25%; và đào tạo là 15%.

Tiêu chuẩn
Trọng số
Điểm nhân cho trọng số
Viễn kiến trong 5 năm tới; lãnh đạo tri thức (intellectual leadership) và đóng góp cho chuyên ngành
25%
Điểm * 1.5
Chất lượng của nghiên cứu (ấn phẩm khoa học, bằng sáng chế, chuyển giao tri thức) trong vòng 5 năm qua.
Thành công trong xin tài trợ.
Danh tiếng trên trường quốc tế (qua tầm ảnh hưởng)
60%
Điểm * 3.6
Đào tạo nghiên cứu sinh tiến sĩ, quản lí dự án nghiên cứu.
15%
Điểm * 0.9
Tổng số điểm sau khi đã điều chỉnh cho trọng số (tối đa = 30)



Sau khi cho điểm, mỗi ứng viên được xếp một trong 4 nhóm: ngoại hạng (outstanding), xuất sắc (excellence); rất tốt (very good); và tốt (good). Thật ra, còn một nhóm nữa có tên là fair (trung bình), nhưng nhóm này không bao giờ có trong danh sách được phỏng vấn. Cách họ xếp hạng dựa theo điểm như sau:

Điểm
Xếp hạng và tiêu chuẩn
4.1 – 5.0
Outstanding: ứng viên với phẩm chất khoa học thuộc vào nhóm cao nhất trên trường quốc tế (xếp hạng top 5% trên thế giới). Rất sáng tạo trong nghiên cứu, làm thay đổi nhận thức hay đưa ra một khái niệm mới; viễn kiến có thể làm cho chuyên ngành tiến bộ hơn; thiết kế và thực hiện những nghiên cứu quan trọng; công bố nghiên cứu trên những tập san hàng đầu trên thế giới và có tầm ảnh hưởng sâu rộng đến thực hành lâm sàng và chính sách y tế; năng suất khoa học cao thuộc vào nhóm ngoại hạng trên thế giới cả về số lượng lẫn chất lượng; được mời nói chuyện trong các hội nghị quốc tế quan trọng; đóng vai trò trong tổ chức và chủ toạ khoa học; chuyển giao thành tựu nghiên cứu; đóng góp cho chuyên ngành qua duyệt bài báo khoa học, thành viên trong ban biên tập tập san khoa học; đóng vai trò có trách nhiệm trong các hội đoàn chuyên môn cấp quốc tế; vai trò lãnh đạo nhóm hay chương trình nghiên cứu khoa học trong viện/trường; đào tạo nghiên cứu sinh thành công.
3.1 – 4.0
Excellence: ứng viên với khả năng cao trong cạnh tranh trên trường quốc tế (thuộc hạng top 10% trên thế giới). Được đồng nghiệp thế giới và quốc gia công nhận vì những đóng góp quan trọng cho chuyên ngành; bằng chứng về lãnh đạo tri thức trong chuyên môn; đóng vai trò lãnh đạo trong việc thiết kế nghiên cứu, thực hiện nghiên cứu, và có những công trình quan trọng trên những tập san hàng đầu trên thế giới; đóng góp vào việc chuyển giao nghiên cứu đến thực hành lâm sàng; khả năng thu hút tài trợ; được mời nói chuyện trong các hội nghị cấp quốc gia và quốc tế; đào tạo nghiên cứu sinh tiến sĩ; có đóng góp cho chuyên ngành qua bình duyệt bài báo khoa học; đóng góp vào việc duyệt xét tài trợ, bình duyệt các chức danh giáo sư; giữ vai trò lãnh đạo trong các hội khoa học; đóng góp cho cộng đồng.
2.1 – 3.0
Very Good: ứng viên được xem là rất tốt khi đối chiếu với các tiêu chuẩn của fellowship, nhưng không đủ khả năng cạnh tranh. Được đồng nghiệp quốc gia công nhận vì những đóng góp quan trọng cho chuyên ngành; bằng chứng về lãnh đạo tri thức trong chuyên môn; đóng góp vào việc chuyển giao nghiên cứu đến thực hành lâm sàng; đào tạo nghiên cứu sinh tiến sĩ; có đóng góp cho chuyên ngành qua bình duyệt bài báo khoa học.
1.1 – 2.0
Good: ứng viên có một số điểm tốt khi đối chiếu với các tiêu chuẩn của fellowship, nhưng không đủ khả năng cạnh tranh. Được ghi nhận ở cấp quốc gia; có vai trò lãnh đạo tri thức; có viễn kiến cho tương lai nhưng trong giai đoạn phát triển; xiển dương ứng dụng y học thực chứng; chất lượng ấn phẩm khoa học tốt; được trao giải thưởng cấp quốc gia; được mời nói chuyện trong các hội nghị cấp quốc gia; có tiềm năng phát triển trong tương lai; bằng chứng có hướng dẫn nghiên cứu sinh; thành viên trong các ủy ban chuyên môn của các hội đoàn khoa học.
Nguồn: Research Fellowships Funding Rules for funding commencing in 2013.
Vì hạn chế ngân sách, nên năm nay NHMRC chỉ cấp fellowship cho những ứng viên trong nhóm outstanding. Điều này có nghĩa là tất cả các nhóm khác đều phải bị loại, hoặc phải chờ năm tới hay đến năm nào đó “luật chơi” được nới lỏng hơn. Quả thật tình hình năm nay có vẻ căng thẳng hơn. Trong lúc chờ đợi, tôi đọc được vài thống kê rất thú vị về số fellowship được cấp trong vài năm gần đây:
  • Năm 2002: 102 ứng viên được cấp;
  • Năm 2006: 80 ứng viên;
  • Năm 2011: 86 ứng viên.
Không biết năm nay sẽ có bao nhiêu, nhưng với tình hình ngân sách bị thắt chặt thì con số có lẽ chỉ khoảng 60-70. May mắn lắm thì con số cho năm 2012 có thể là 80.
Những ứng viên này thuộc vào lĩnh vực nào? Vẫn theo số liệu thống kê (năm 2011), thì:
  • 47% là nghiên cứu cơ bản trong y khoa;
  • 34% là nghiên cứu lâm sàng;
  • 14% là dịch tễ học và y tế công cộng;
  • 5% là dịch vụ y tế (health services research).
Phân tích theo giới tính cho thấy nữ lúc nào cũng có tỉ lệ thành công cao hơn nam. Người ta giải thích rằng vì nữ chuẩn bị kĩ hơn nam, nên họ có đủ bằng chứng khi bị chất vấn. Ngoài ra, điều quan trọng là nữ ít có thói hống hách và dễ nóng giận như nam, nên họ lúc nào cũng thu hút cảm tình của các hội đồng tuyển chọn.
Và lại … chờ
Với một qui trình khá phức tạp và “đa tầng” như thế, khó ai có thể đoán biết mình thuộc nhóm nào (trong 4 nhóm). Tuy nhiên, những ai có kinh nghiệm thì cũng biết mình thuộc vào nhóm nào, vì ở đây người ta có tiêu chuẩn khá rõ ràng. (Vấn đề còn lại là diễn giải và hiểu những tiêu chuẩn đó ra sao). Có hai yếu tố có thể gây “nhiễu” trong đánh giá. Thứ nhất là tâm lí học cho biết chúng ta có xu hướng tự đánh giá mình cao hơn thực tế, và thứ hai là do con người đánh giá nên chắc chắn có sai sót. Nói tóm lại, đành phải giao “sinh mạnh khoa học” cho [một phần] yếu tố ngẫu nhiên.
Theo như lịch trình thì đến đầu tháng 11 ứng viên như tôi mới biết kết quả. Tuy nhiên, ngày 28/6/2012 (tức chỉ sau 1 ngày hoàn tất phỏng vấn) thì các ban phỏng vấn đã xếp hạng ứng viên xong rồi. Tháng 8 họ sẽ đệ trình lên NHMRC, và tháng 9 NHMRC đệ trình lên Bộ trưởng, và tháng 11 thì văn phòng bộ trưởng sẽ thông báo cho ứng viên. Nhưng như tôi nói, ngày mai là họ đã có kết quả rồi, nhưng phải chờ đến gần 4 tháng sau mới biết ai là kẻ may mắn.
Wish me luck!
NVT
Nguồn: Blog TS. Nguyễn Văn Tuấn